Tủy răng là gì? Một số bệnh lý đến tủy răng bạn cần biết

Tủy răng là một bộ phận có cấu trúc phức tạp, đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng răng và giúp răng cảm nhận các tác động từ bên ngoài. Vậy tủy răng là gì? Cấu tạo ra sao? Nó ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe răng miệng? Hãy cùng bác sĩ Nha Khoa Kim tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây!

Tủy răng là gì?

Tủy răng là bộ phận nằm chính giữa răng, được bao bọc bởi lớp men răng và ngà răng. Bên trong nó chứa các dây thần kinh, mạch máu, mô liên kết và tế bào chuyên biệt, có vai trò nuôi dưỡng răng và dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Do chứa nhiều mạch máu nên tủy có màu đỏ hồng và có hình dạng giống như một phiên bản thu nhỏ của răng.

tủy răng là gì

Bộ phận nằm ở chính giữ răng, được men răng và ngà răng bảo vệ chính là tủy răng 

Cấu tạo tủy răng

Tủy răng là một khối mô liên kết chứa nhiều mạch máu, nằm bên trong buồng tủy. Nó được cấu tạo từ các thành phần sau đây:

  • Dây thần kinh
  • Mạch máu
  • Nguyên bào ngà
  • Nguyên bào sợi
  • Tế bào mô
  • Đại thực bào
  • Tế bào mast
  • Tế bào plasma

Tủy răng được bao bọc trong khoang tủy, gồm ba phần chính:

  • Buồng tủy: Nằm ở phần thân răng, là khu vực trung tâm của khoang tủy.
  • Sừng tủy: Kéo dài từ buồng tủy, hướng về phía bề mặt nhai của răng.
  • Ống tủy chân răng: Phần kéo dài của buồng tủy, chạy dọc theo chân răng và kết thúc tại chóp răng.

cấu tạo tủy răng

Tủy răng cấu tạo từ các mô liên kết chứa nhiều mạch máu nằm bên trong buồng 

Quá trình hình thành tủy răng

Quá trình phát triển của răng diễn ra qua các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn nụ
  • Giai đoạn chỏm
  • Giai đoạn chuông
  • Giai đoạn hình thành thân răng
  • Giai đoạn răng mọc

Vào khoảng tuần thứ 6 của thai kỳ, răng bắt đầu phát triển. Lúc này, biểu mô miệng tăng sinh và xâm nhập vào các tế bào ngoại trung mô, hình thành nên lá răng. Chính từ lá răng này, các nụ răng đầu tiên được tạo ra.

Khi biểu mô bắt đầu hình thành men răng, nụ răng phát triển thành chỏm răng. Đến giai đoạn chuông và trong quá trình mô cứng được tạo thành, nhú răng dần xuất hiện với cấu trúc đặc trưng. Lúc này, các tế bào ngoại trung mô tập trung lại và hình thành nhú răng. Kết hợp với biểu mô men và nang răng, nhú răng góp phần tạo nên mầm răng hoàn chỉnh.

Nhú răng được coi là nguồn gốc hình thành tủy răng. Trong quá trình phân chia và biệt hóa, các tế bào ngoại vi của nhú răng dần chuyển thành nguyên bào ngà. Phần lớn tế bào trong nhú răng là tế bào trung mô có hình sao, chưa biệt hóa và có mật độ cao. Đến cuối giai đoạn chuông, nhánh động mạch xương ổ phát triển vào nhú răng, phân tách thành các động mạch nhỏ, sau đó hình thành một hệ mao mạch tập trung ở vùng ngoại vi của nhú răng.

Trong giai đoạn hình thành ngà răng, mầm răng ở dạng chuông tiếp tục phát triển và dần mang hình dáng của thân răng. Sự tăng sinh của các tế bào giúp nhú răng mở rộng, nhưng đồng thời thể tích của nó cũng giảm dần khi lớp ngà ngày càng dày lên. Ở giai đoạn này, mô nhú phát triển theo chiều dài của chân răng nhưng bị thu hẹp dần. Hiểu một cách đơn giản, tủy răng chính là nhú răng đã trưởng thành.

quá trình hình thành tủy răng

Quá trình hình thành tủy răng là một phần của sự phát triển răng và được gọi là quá trình hình thành ngà răng

Chức năng của tủy răng

Theo nghiên cứu, tủy răng có các chức năng sau đây:

  • Nuôi dưỡng, tái tạo ngà răng:  Nó đóng vai trò cung cấp dưỡng chất và hỗ trợ quá trình tái tạo ngà răng. Đồng thời, ngà răng góp phần nâng đỡ men răng – lớp cứng bên ngoài có nhiệm vụ bảo vệ tủy.
  • Chức năng thần kinh: Tủy răng chứa các dây thần kinh, giúp nhận biết và truyền tải cảm giác khi có tác động bên ngoài, bao gồm cảm giác ê buốt, đau nhức, khó chịu.
  • Chức năng bảo vệ răng: Nó đóng vai trò bảo vệ thông qua cơ chế tái tạo ngà răng và phản ứng miễn dịch, giúp duy trì sức khỏe và độ bền của răng.
  • Chức năng miễn dịch: Tủy còn có khả năng miễn dịch hiệu quả nhờ các tế bào miễn dịch, giúp nhận diện và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn.
  • Chức năng dinh dưỡng: Tủy răng đóng vai trò cung cấp dinh dưỡng thông qua hệ thống mạch máu, giúp nuôi dưỡng các thành phần trong phức hợp ngà – tủy. Đồng thời, nó góp phần duy trì độ ẩm, giảm nguy cơ giòn gãy và bảo vệ răng luôn chắc khỏe.

chức năng tủy răng

Tủy răng có chức năng chính là hình thành, tái tạo ngà răng và bảo vệ mô răng luôn rắn chắc và khỏe mạnh

Các bệnh lý tủy răng thường gặp

Bệnh lý tủy răng là một vấn đề phổ biến, trong đó nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sâu răng. Khi sâu răng không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có thể xâm nhập qua các lỗ hở trên răng và gây tổn thương tủy. 

Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe của tủy răng, bao gồm:

  • Viêm tủy do vi khuẩn, viêm quanh chóp răng.
  • Hỏng men răng do nhiễm độc hóa chất như chì, thủy ngân.
  • Chấn thương ảnh hưởng đến mạch máu nuôi tủy.
  • Răng bị nứt, mẻ.
  • Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột tác động đến răng.
  • Sai sót khi thực hiện điều trị nha khoa.
  • Hiện tượng vôi hóa tủy.

Có thể dẫn đến các bệnh lý sau:

Viêm tủy có hồi phục

Viêm tủy có hồi phục là giai đoạn khởi phát của bệnh, thường do sâu răng gây ra. Ở giai đoạn này, răng có thể trở nên ê buốt khi tiếp xúc với thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh, nhưng cảm giác khó chịu sẽ nhanh chóng biến mất sau khi ngừng ăn. Nếu phát hiện sớm, việc điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.

viêm tủy răng có hồi phục

Viêm tủy có hồi phục thường do sâu răng gây ra.

Viêm tủy răng không hồi phục

Ở giai đoạn này, tình trạng viêm đã gây tổn thương nghiêm trọng đến tủy, khiến răng không thể phục hồi như ban đầu. Người bệnh thường cảm thấy đau nhói khi ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh, cơn đau kéo dài và có thể lan sang các khu vực xung quanh.

Gợi ý cho bạn: Viêm tủy răng có tự khỏi không? Khi nào cần điều trị

viêm tủy răng không hồi phục

Viêm tủy răng không hồi phục khiến cơn đau kéo dài, nguy cơ lan sang các răng xung quanh

Viêm tủy cấp

Người bệnh thường gặp những cơn đau kéo dài, ngay cả khi đang nghỉ ngơi hay thư giãn. Cảm giác đau trở nên dữ dội hơn khi ăn thực phẩm quá nóng, quá lạnh hoặc khi thức ăn chạm vào vùng răng bị viêm. 

Cơn đau có thể xuất hiện từng đợt hoặc kéo dài liên tục, đặc biệt nghiêm trọng hơn nếu viêm tiến triển thành nhiễm trùng có mủ. Viêm tủy cấp gây ra sự khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.

viêm tủy răng cấp

Viêm tủy cấp gây ra sự khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng xấu đến khả năng nhai

Viêm tủy mạn tính

Đối với viêm tủy răng mạn tính, cơn đau thường kéo dài hàng giờ. Một số trường hợp, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ thoáng qua khi nhai thức ăn.

viêm tủy răng mãn tính

Viêm tủy mạn tính thường tiến triển từ viêm tủy cấp không được thăm khám và điều trị kịp thời.

Hoại tử tủy

Hoại tử tủy xảy ra khi tủy răng bị tổn thương nghiêm trọng và không còn duy trì được chức năng. Lúc này, người bệnh không còn cảm giác đau hay khó chịu. Nếu không được xử lý kịp thời, hoại tử tủy có thể dẫn đến áp xe, hình thành túi mủ trong răng và các mô xung quanh. Tình trạng nhiễm trùng này có nguy cơ lan rộng sang các khu vực khác trong khoang miệng và thậm chí ảnh hưởng đến toàn cơ thể.

hoại tử tủy răng

Hoại tử tủy khi răng bị tổn thương nghiêm trọng và không còn duy trì được chức năng.

Vôi hóa tủy

Ở một số trường hợp, tủy răng có thể hình thành và phát triển các vùng vôi hóa. Hiện tượng này thường bắt nguồn từ quá trình lão hóa tự nhiên hoặc do tác động của chấn thương răng.

Mặc dù không phổ biến, một số vấn đề sức khỏe có thể làm gia tăng nguy cơ vôi hóa tủy răng, bao gồm:

  • Bệnh thận
  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh Paget xương
  • Cường cận giáp
  • Hội chứng loạn sản ngà răng – một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến cấu trúc răng
  • Bệnh gout
  • Sự phát triển không hoàn chỉnh của ngà răng (rối loạn hình thành răng)

Trong hầu hết các trường hợp, vôi hóa tủy răng không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, nếu xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh có thể cần điều trị tủy, thậm chí phải nhổ răng trong những trường hợp nghiêm trọng.

Tham khảo thêm: Điều trị tủy răng và những thông tin hữu ích bạn cần biết

vôi hóa tủy răng

Vôi hóa không cần can thiệp y tế nhưng vẫn cần chú ý nếu xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng

Chẩn đoán bệnh lý liên quan đến tủy răng 

Để đánh giá tình trạng tủy răng, bác sĩ nha khoa sẽ áp dụng các phương pháp kiểm tra sau:

  • Kiểm tra tủy răng: Bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng bằng cách sử dụng nhiệt độ lạnh. Trong quá trình này, một chất lạnh được áp dụng lên các khu vực khác nhau trong miệng, người bệnh sẽ đánh giá mức độ đau theo thang điểm từ 1 – 10. Đồng thời, bác sĩ sẽ đo lường thời gian xuất hiện cảm giác khó chịu ban đầu cũng như khoảng thời gian cần thiết để cảm giác này biến mất.
  • Chụp X-quang: Ngoài việc kiểm tra, bác sĩ sẽ tiến hành chụp X-quang để đánh giá tình trạng răng. Bác sĩ sẽ dựa vào đó để xác định xem nhiễm trùng có lan rộng sang các khu vực lân cận hay không.

Có thể bạn quan tâm: Điều trị tủy răng giá bao nhiêu tiền, có mất nhiều chi phí không?

chẩn đoán bệnh lý liên quan đến tủy răng

Các phương pháp chẩn đoán bệnh lý liên quan đến tủy răng

Cách bảo vệ, phục hồi tủy răng

Cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ viêm tủy và hoại tử tủy là duy trì vệ sinh răng miệng đúng cách. Bạn nên:

  • Đánh răng đều đặn 2 lần/ngày, mỗi lần ít nhất hai phút. Nên đánh răng bàn chải lông mềm và kem đánh răng có chứa Fluoride.
  • Làm sạch kẽ răng hàng ngày bằng chỉ nha khoa, tăm nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng, ít nhất 1 lần/ngày.
  • Khám răng định kỳ và lấy cao răng mỗi 6 tháng để duy trì sức khỏe răng miệng.
  • Nếu có thói quen nghiến răng khi ngủ, hãy sử dụng dụng cụ bảo vệ răng vào ban đêm.
  • Những người đã điều trị tủy răng nên tránh ăn thực phẩm quá cứng, quá nóng hoặc quá lạnh để bảo vệ răng.

cách bảo vệ phục hồi tủy răng

Vệ sinh răng miệng hàng ngày và tránh ăn thực phẩm quá nóng, quá lạnh để bảo vệ răng.

Tủy răng là phần nằm sâu bên trong răng, chứa hệ thống dây thần kinh và mạch máu, được bao bọc bởi lớp men và ngà răng. Khi răng bị sâu hoặc chấn thương, tủy có thể bị lộ ra, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, nếu xuất hiện các dấu hiệu như sâu răng, ê buốt hay viêm nhiễm, người bệnh nên sớm thăm khám bác sĩ nha khoa để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Mỗi phòng khám thuộc hệ thống Nha Khoa Kim được Sở Y tế các tỉnh thành thẩm định các danh mục kỹ thuật khác nhau. Quý khách sẽ được thực hiện các dịch vụ theo đúng những danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế cho phép. Những danh mục khác sẽ được thực hiện tại bệnh viện.

ĐẶT HẸN THĂM KHÁM

Quý khách vui lòng để lại thông tin, Nha Khoa Kim sẽ liên hệ trong vòng 3 phút. (Thời gian làm việc của tổng đài từ 7h30 đến 23h30)