Nướu là phần mô mềm bao quanh chân răng và xương ổ răng. Đây là bộ phận đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong hệ thống răng miệng. Vậy nướu là gì? Bộ phận này có cấu tạo như thế nào và chức năng ra sao? Cùng Nha Khoa Kim tìm hiểu sâu hơn qua bài viết dưới đây.
Nội Dung Chính
Nướu là gì?
Nướu (hay còn gọi là lợi, nú răng) là phần niêm mạc bao bọc xung quanh xương ổ răng và chân răng (cả hàm trên và hàm dưới). Chúng ôm sát cổ răng và kéo dài từ cổ răng cho đến đáy hành lang miệng.
Nướu là phần niêm mạc bao bọc xung quanh răng
Cấu tạo của nướu răng
Nướu có cấu tạo gồm 8 phần. Cụ thể như sau:
Nướu viền
Nướu viền còn gọi là nướu tự do hay nướu rời. Đây là lớp mô mềm bao quanh cổ răng và không dính liền với răng, có thể dùng cây thăm dò để tách nướu ra khỏi mặt răng.
Nướu viền có bề rộng khoảng 1 – 1.6mm, được ngăn cách với nướu dính bằng một rãnh nhỏ, gọi là rãnh nướu rời và có dạng hình chữ V.
Nướu dính
Nướu dính trải dài từ rãnh nướu rời đến phần tiếp nối nướu với niêm mạc xương ổ răng. Phần nướu này có bề rộng từ 0.5 – 6mm, bề mặt nướu có chấm nhỏ li ti da cam.
Nướu dính không có mô liên kết, có nhiều bó sợi collagen nên bám chặt vào răng và xương ổ răng, chiếm diện tích nhiều nhất là ở vùng răng cửa.
Rãnh nướu
Rãnh nướu là đường lõm cạn trên bề mặt nướu, ngăn cách giữa nướu tự do và nướu dính. Rãnh nướu chỉ có ở 30 – 40% người trưởng thành, tương ứng với đáy khe nướu.
Khe nướu
Khe nướu là giới hạn giữa nướu tự do và bề mặt răng, có dạng hình chữ V và gồm nhiều biểu mô kết nối giữa răng và nướu. Khe nướu có cấu tạo gồm 2 vách: vách mềm (nướu tự do) và cách cứng (bề mặt răng). Khe nướu khỏe mạnh có độ sâu không vượt quá 2 – 3mm.
Nướu sừng hóa
Nướu sừng hóa là lớp nướu bám vào răng gần nhất, kéo dài từ bờ viền nướu đến đường tiếp giáp giữa nướu và niêm mạc (bao gồm cả nướu tự do và nướu dính). Nướu sừng hóa có chiều cao từ 1 – 9mm và tăng dần theo thời gian.
Với những trường hợp răng lệch ra ngoài như răng nanh, răng khểnh, răng cối thì nướu sừng hóa thường rất ngắn.
Đường tiếp nối nướu và niêm mạc
Đường tiếp nối nướu và niêm mạc là đường cong có hình vỏ sò, ngăn cách nướu sừng hóa và niêm mạc xương ổ răng. Bạn có thể dễ dàng nhận biết đường tiếp nối này bằng cách lấy tay kéo nhẹ môi/má ra ngoài sẽ thấy niêm mạc ổ xương răng. Chúng có màu đỏ sậm và trên bề mặt không có những chấm li ti như da cam.
Gai nướu
Gai nướu hay còn gọi là nhú nướu, nướu kẽ răng, là phần nướu nằm ở giữa 2 răng liên tiếp, có dạng hình tháp, giúp làm đầy khoảng trống giữa các răng. Gai nướu có 2 loại: gai nướu ngoài và gai nướu trong, được kết nối với nhau bằng yên nướu.
Lõm nướu
Lõm nướu là cách rãnh dọc, song song với trục dài của các răng bên cạnh, có vị trí nằm giữa các răng trong vùng nướu dính.
Cấu tạo của nướu sẽ bao gồm 8 phần khác nhau
Nướu răng có chức năng gì?
Trong khoang miệng, nướu răng có ý nghĩa vô cùng quan trọng
- Nướu răng là bộ phận tạo thành mô nha chu, giúp nâng đỡ và giữ răng đứng vững trên cung hàm.
- Nướu răng tạo ra hành lang liên kết các răng trên cung hàm với nhau thành một vòng xung răng đồng nhất, liên tục.
- Nhờ biểu mô kết nối xung quanh cổ răng và dính với bề mặt răng mà nướu răng duy trì liên kết với niêm mạc miệng.
- Bao bọc, bảo vệ xương hàm và chân răng trước sự xâm nhập, tấn công của các loại vi khuẩn gây hại cho sức khỏe răng miệng.
Nướu có chức năng liên kết, nâng đỡ và bảo vệ răng giúp răng ổn định trên cung hàm
Các bệnh lý thường gặp ở nướu
Các bệnh lý thường gặp ở nướu là bệnh gì? Chúng có nguy hiểm không?
Viêm nướu
Viêm nướu là giai đoạn khởi phát của viêm nha chu. Bệnh lý này xảy ra khi có mảng bám, cao răng và vi khuẩn tích tụ trên bề mặt răng, khiến nướu bị sưng tấy, mẩn đỏ và chảy máu. Viêm nướu có thể nhận biết thông qua một số biểu hiện sau:
- Nướu có màu đỏ tím hoặc tím thẫm.
- Sưng nướu răng.
- Dễ bị chảy máu khi vệ sinh răng miệng.
- Trường hợp viêm nướu nặng phần nướu bị viêm có thể tự chảy máu.
Viêm nướu là giai đoạn đầu của viêm nha chu do cao răng và các mảng bám trên răng gây ra
Viêm nha chu
Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu nghiêm trọng, làm mô mềm, xương và mô nâng đỡ bao bọc quanh răng bị tổn thương. Nếu để tình trạng này kéo dài, viêm nha chu có thể phá hủy xương, làm răng lung lay và có nguy cơ mất răng vĩnh viễn.
Dưới đây là một số triệu chứng của bệnh lý viêm nha chu:
- Nướu có màu đỏ tươi/sẫm hoặc tím đậm.
- Nướu sưng tấy.
- Khi sờ vào có cảm giác mềm.
- Dễ bị chảy máu.
- Hôi miệng.
- Giữa răng và nướu xuất hiện mủ.
- Răng lung lay, cảm thấy đau khi ăn nhai.
- Giữa răng có khoảng trống hình tam giác màu đen.
- Tụt nướu.
- Xung quanh cổ răng và lợi có những túi dịch chứa đầy mủ.
Viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu nghiêm trọng
Nướu răng của người bình thường, khỏe mạnh
Nướu răng khỏe mạnh cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ và hỗ trợ chức năng, sức khỏe của răng miệng. Nướu răng khỏe mạnh có thể nhận biết qua các đặc điểm sau đây:
Màu sắc
Thông thường, nướu răng khỏe mạnh sẽ có màu hồng sẫm hoặc hồng san hô. Tùy vào cơ địa mỗi người mà màu sắc của nướu răng có thể thay đổi dựa trên các yếu tố như sắc tố tự nhiên của da, độ dài, độ sừng hóa của biểu mô, lưu lượng máu, tác dụng phụ của thuốc.
Nướu thấy nướu có màu trắng, đỏ, xanh lam thì có thể là dấu hiệu cảnh báo cho viêm nướu hoặc các bệnh lý về nướu.
Bề mặt nướu
Nướu bình thường sẽ có bề mặt nhiều lấm tấm da cam. Một khi nướu không được khỏe những chấm nhỏ này sẽ giảm dần hoặc mất đi.
Hình dạng nướu
Nướu khỏe mạnh, không mắc bệnh lý có viền nướu mỏng, sắc nét, ôm sát vào chân răng, có hình cong/vỏ sò. Khi vệ sinh răng miệng hoặc thăm dò nha khoa nướu không xảy ra phản ứng như chảy máu, đau,…
Độ bền của nướu
Khi dùng tay sờ trực tiếp nướu săn chắc, có độ đàn hồi, có viền di động nhẹ. Quan sát bằng mắt thường sẽ thấy nướu dính chặt vào các mô cứng bên dưới, ôm sát vào chân răng.
Khe nướu
Khe nướu khỏe mạnh thường có độ sâu từ 1 – 3mm, khi thăm khám không chảy máu và không phát hiện dòng dịch nướu. Nếu khe nướu sâu hơn 4mm có thể là biểu thị của tình trạng viêm nha chu.
Màu sắc và hình dạng của nướu có thể cho biết được sức khỏe của chúng
Làm sao để nướu răng luôn được khỏe mạnh
Để nướu răng luôn được khỏe mạnh bạn có thể áp dụng các cách chăm sóc dưới đây:
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Đánh răng 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải lông mềm. Đánh răng nhẹ nhàng từ trong ra ngoài theo chiều dọc và xoay tròn. Xoay bàn chải ở cả 3 mặt để đảm bảo toàn bộ bề mặt răng được vệ sinh sạch sẽ. Sử dụng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng để làm sạch thức ăn bị mắc kẹt ở kẽ răng.
Không hút thuốc lá
Người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ bị viêm nha chu cao hơn gấp 3 lần so với người bình thường. Vì vậy, bạn nên từ bỏ thói quen này để giữ răng nướu luôn được khỏe mạnh.
Có chế độ ăn uống lành mạnh
Một chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại đậu, quả hạch, dầu thực vật, cá,…không chỉ cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết mà còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh răng miệng.
Thăm khám răng miệng định kỳ
Bạn nên thăm khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để bác sĩ nha khoa có thể kiểm tra, phát hiện và lấy cao răng. Xử lý từ những dấu hiệu đầu tiên sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn các bệnh lý về răng miệng.
Vệ sinh răng miệng đúng cách và lấy cao răng định kỳ là cách bảo vệ và ngăn ngừa các bệnh lý về nướu hiệu quả
Hy vọng qua những thông tin mà bài viết trên cung cấp đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nướu là gì cũng như cấu tạo và chức năng của nướu. Việc bảo vệ và duy trì nướu răng khỏe mạnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì vậy, khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường về nướu, bạn nên đến ngay phòng khám Nha Khoa Kim để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Mỗi phòng khám thuộc hệ thống Nha Khoa Kim được Sở Y tế các tỉnh thành thẩm định các danh mục kỹ thuật khác nhau. Quý khách sẽ được thực hiện các dịch vụ theo đúng những danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế cho phép. Những danh mục khác sẽ được thực hiện tại bệnh viện.