Nhiệt lưỡi là tình trạng thường gặp và đa số là lành tính. Tuy nhiên, tình trạng này lại gây đau đớn và bất tiện cho người bệnh trong việc ăn uống và sinh hoạt. Vậy nguyên nhân gây nhiệt lưỡi là gì và cách chữa trị ra sao. Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Nha Khoa Kim để biết thêm thông tin chia tiết nhé!
Nội Dung Chính
Nhiệt lưỡi là gì?
Nhiệt lưỡi là tình trạng viêm loét niêm mạc lưỡi, đặc trưng bởi các vết loét hình tròn hoặc oval, có màu trắng hoặc trắng sữa, xung quanh là viền đỏ, thường xuất hiện ở dạng đơn lẻ hoặc từng đám. Đa số các trường hợp, nhiệt lưỡi sẽ tự khỏi sau 7 – 10 ngày, song nó gây đau rát và ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống.
Ngoài cảm giác đau ở lưỡi, bệnh còn gây ra các triệu chứng khác như: vị giác kém, khô miệng, khát nước liên tục, tê lưỡi, ngứa lưỡi,… Các triệu chứng này sẽ dần thuyên giảm khi vết loét hết sưng và thu nhỏ kích thước.
Nhiệt miệng ở lưỡi là tình trạng viêm loét niêm mạc lưỡi gây đay rát và khó chịu
Nguyên nhân gây nhiệt lưỡi
Nguyên nhân gây nhiệt lưỡi vẫn chưa được xác định một cách chính xác. Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến bạn dễ bị nhiệt ở lưỡi:
Cắn hoặc tổn thương ở lưỡi
Khi bạn vô tình cắn vào lưỡi hoặc có tổn thương sẵn ở lưỡi, dưới tác động của nước bọt và môi trường ẩm trong khoang miệng vết thương có thể bị lở loét, nhiễm trùng và hình thành vết viêm ở niêm mạc lưỡi.
Vệ sinh răng miệng kém
Miệng là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn, trong đó có lợi khuẩn và cả vi khuẩn gây hại. Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây hại phát triển nhiều hơn. Khi có cơ hội, chúng sẽ tấn công lưỡi và gây ra viêm.
Thiếu hụt dinh dưỡng
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiệt lưỡi có thể xuất hiện ở những người có chế độ ăn thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là các nhóm chất như sắt, kẽm, vitamin B9, vitamin B12, vitamin C, các loại acid amin,…
Thói quen ăn uống không lành mạnh
Việc thường xuyên ăn thức ăn cay nóng, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ hoặc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cafe, cacao,…sẽ khiến niêm mạc lưỡi bị kích thích và hình thành vết loét ở lưỡi.
Thiếu hụt chất dinh dưỡng, bệnh lý hoặc các chấn thương là nguyên nhân phổ biến gây viêm lưỡi
Chức năng gan suy giảm
Chức năng khử độc của gan bị suy giảm sẽ khiến cơ thể tích tụ nhiều độc tố. Từ đó, gây ra những vết lở loét ở niêm mạc lưỡi, môi, má và nhiều vị trí quan trọng khác trong miệng.
Tác dụng phụ của thuốc điều trị
Bệnh nhân đang điều trị bằng xạ trị hoặc sử dụng các nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid, thuốc điều trị ung thư, thuốc chẹn bất,…trong một thời gian dài có thể gặp tình trạng nhiệt lưỡi tái đi tái lại nhiều lần.
Ngoài ra, sử dụng kem đánh răng, nước súc miệng có chứa sodium lauryl sulfate cũng có thể gây kích ứng niêm mạc lưỡi và gây loét lưỡi.
Lo âu, căng thẳng hoặc thay đổi hormone
Tâm trạng lo âu, căng thẳng có thể gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể, đặc biệt là hormone và miễn dịch. Kết quả là sự xuất hiện những vết loét ở lưỡi và một số vấn đề sức khỏe khác.
Ngoài ra, sự thay đổi hormone ở phụ nữ khi mang thai hoặc trong kỳ kinh nguyệt cũng gây ra nhiệt ở lưỡi và các bệnh răng miệng như sưng nướu răng, chảy máu chân răng, sưng tuyến nước bọt,…
Hình ảnh nhiệt lưỡi
Để nhận biết kịp thời và sớm có phương án khắc phục, đồng thời tránh nhầm lẫn với các bệnh lý răng miệng khác, bạn có thể tham khảo một số hình ảnh nhiệt lưỡi dưới đây.
Hình ảnh trẻ bị nhiệt lưỡi
Hình ảnh nhiệt miệng ở dưới lưỡi
Hình ảnh viêm loét niêm mạc dưới lưỡi
Hình ảnh bị nhiệt lưỡi giai đoạn đầu
Hình ảnh bệnh nhiệt miệng ở vùng đầu lưỡi
▷ Xem thêm: Nhiệt lưỡi ở trẻ – dấu hiệu và cách điều trị nhanh chóng tại nhà
Cách chữa nhiệt lưỡi an toàn, hiệu quả
Để giảm bớt cảm giác đau đớn khi bị nhiệt lưỡi, bạn có thể áp dụng các cách điều trị dưới đây:
Dùng thuốc điều trị
Các loại thuốc kháng viêm tại chỗ như Fluocinonide, Beclomethasone hoặc Hydrocortisone hemisuccinate sẽ làm giảm nhanh các triệu chứng đau rát, giúp vết loét nhanh lành hơn và giảm tỷ lệ tái phát.
Thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân cũng có thể được sử dụng, chẳng hạn như Tetracyclin và Minocyclin để giúp giảm đau và giảm thời gian loét. Vì có giả thuyết cho rằng, nguyên nhân gây nhiệt ở lưỡi có thể là do một số tác nhân lây nhiễm chưa được phát hiện.
Dùng gel điều trị
Hiện nay trên thị trường, có rất nhiều loại gel bôi tại chỗ có tác dụng giảm viêm, làm lành nhanh vết loét và giảm đau do nhiệt lưỡi gây ra. Tuy nhiên, vì sản phẩm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển men răng nên cần lưu ý khi sử dụng cho trẻ em.
▷ Tham khảo thêm: Top 11 thuốc bôi nhiệt miệng cho bé an toàn và hiệu quả
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
Nhiệt lưỡi gây cảm giác đau đớn khiến nhiều người lười vệ sinh răng miệng hơn. Tuy nhiên, thời điểm này bạn cần đặc biệt chú ý đánh răng hàng ngày kết hợp với việc sử dụng nước súc miệng để tiêu diệt vi khuẩn gây hại, làm rút ngắn thời gian hồi phục vết loét ở lưỡi.
Súc miệng bằng nước muối
Bạn có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch súc miệng có chứa Hydrogen peroxide, Chlorhexidine hoặc Dexamethasone để tiêu diệt và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn một cách tốt nhất. Hơn nữa, nước muối còn làm vết loét nhanh khô, giảm sưng và giảm đau hiệu quả.
Súc miệng bằng nước muối giúp giảm viêm và ngăn ngừa tình trạng phát triển của vi khuẩn
Bị nhiệt lưỡi nên và không nên ăn gì?
Cảm giác đau rát do nhiệt lưỡi gây ra sẽ khiến việc ăn uống gặp nhiều khó khăn hơn. Vậy trong thời điểm này, bạn nên và không nên ăn những thực phẩm nào?
Nhiệt lưỡi nên ăn gì?
Khi bị nhiệt ở lưỡi, bạn nên chọn ăn những loại thực phẩm sau đây:
- Các loại đậu (đậu xanh, đậu đen): đậu có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc cơ thể và giảm nhanh các triệu chứng nhiệt lưỡi.
- Bột sắn dây tinh chế: chứa nhiều vitamin và khoáng chất, hỗ trợ làm mát cơ thể và làm dịu các cơn đau do vết loét ở lưỡi gây ra. Đây là bài thuốc điều trị nhiệt miệng, nóng trong được ông bà ta áp dụng.
- Các loại rau xanh (rau ngót, rau má): chứa nhiều nước và vitamin giúp làm mát cơ thể, thúc đẩy nhanh quá trình làm lành vết loét. Ăn nhiều rau xanh mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe và đẩy lùi các triệu chứng nhiệt lưỡi, nhiệt miệng.
- Sữa chua: trong sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn lactobacillus không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn hỗ trợ làm lành nhanh vết loét bằng cách kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn có hại trong miệng.
Bị nhiệt lưỡi nên ăn các loại thực phẩm có tính mát như các loại rau, đậu, sữa chua và bột sắn dây
Nhiệt lưỡi kiêng ăn gì?
Để vết loét ở lưỡi không bị kích thích, gây đau nhức và lan rộng hơn, khi bị nhiệt lưỡi bạn cần tránh các loại thực phẩm sau đây:
- Trái cây chứa nhiều acid (cam, quýt, chanh, bưởi): Acid trong trái cây sẽ khiến vết loét ở lưỡi sâu hơn, lâu lành hơn, thậm chí là còn làm dày thêm vết loét mới.
- Cafe: Acid salicylic trong cafe sẽ làm các mô nhạy cảm trong miệng bị kích ứng, nhất là khu vực lưỡi bị viêm loét. Vì vậy, bạn nên hạn chế cafe khi bị nhiệt ở lưỡi.
- Thức ăn cay nóng: Vị cay nóng từ ớt, tiêu sẽ gây kích ứng niêm mạc lưỡi và khiến vết loét nông hơn, sưng đau và lâu lành.
▷ Xem thêm: Nhiệt miệng uống gì? Top 7 thức uống thanh mát dễ pha chế tại nhà
Biện pháp và cách phòng ngừa nhiệt lưỡi
Để phòng ngừa nhiệt lưỡi, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ
- Nghỉ ngơi điều độ, luôn giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu
- Không sử dụng các sản phẩm vệ sinh răng miệng có thành phần gây dị ứng
- Bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày các loại thực phẩm giàu sắt, kẽm, vitamin
- Nên ăn uống chậm rãi để tránh cắn trúng lưỡi
- Uống nhiều nước, ít nhất 2L/ngày
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và ăn uống đầy đủ chất giúp cơ thể ngăn ngừa và hạn chế viêm nhiễm hiệu quả
Nhiệt lưỡi là tình trạng mà nhiều người thường hay gặp phải. Các vết loét tuy lành tính nhưng thường tái phát và gây đau rát cho người bệnh. Khi vết loét lâu lành hoặc nếu có các dấu hiệu toàn thân liên quan, bạn nên đi thăm khám ngay để có cách điều trị kịp thời. Nếu cần tư vấn thêm về tình trạng này, hãy liên hệ với Nha Khoa Kim qua số hotline: 1900 6899 để nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia nhé!
Mỗi phòng khám thuộc hệ thống Nha Khoa Kim được Sở Y tế các tỉnh thành thẩm định các danh mục kỹ thuật khác nhau. Quý khách sẽ được thực hiện các dịch vụ theo đúng những danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế cho phép. Những danh mục khác sẽ được thực hiện tại bệnh viện.