Để giữ hàm răng chắc khỏe, trắng sáng, đồng thời hạn chế tối đa bệnh lý răng miệng, bạn không chỉ cần đánh răng thường xuyên mà còn phải đánh răng đúng cách. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được điều này. Vậy thì hãy để bài viết dưới đây của Nha Khoa Kim hướng dẫn bạn cách đánh răng đúng theo khoa học và những lưu ý cần tránh khi đánh răng để đạt được hiệu quả làm sạch cao nhé!
Nội Dung Chính
Trẻ bao nhiêu tuổi thì nên đánh răng?
Khi trẻ được 6 – 12 tháng tuổi, những chiếc răng đầu tiên đã bắt đầu mọc lên. Lúc này, bố mẹ nên chủ động đánh răng cho trẻ để vệ sinh răng nướu sạch sẽ, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh răng miệng, đặc biệt là sâu răng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến răng vĩnh viễn của trẻ sau này.
Từ 1.5 tuổi, trẻ rất thích làm theo các hành động của bố mẹ và những người xung quanh. Dó đó, bố mẹ nên tập cho trẻ đánh răng ở giai đoạn này để xây dựng thói quen đánh răng hằng ngày cho trẻ.
Khi trẻ được 4 – 6 tuổi, bên cạnh thói quen đánh răng đều đặn mỗi ngày, bố mẹ cần hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách để bảo vệ sức khỏe răng miệng một cách tốt nhất, hạn chế các bệnh lý.
Trong khoảng thời gian bắt đầu mọc răng từ 6 đến 12 tháng tuổi cha mẹ cần chú ý vệ sinh răng miệng cho bé
Một ngày nên đánh răng mấy lần?
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (FDA), mọi người nên đánh răng 2 lần mỗi ngày vào sáng và tối với bàn chải đánh răng lông mềm, mỗi lần nên đánh răng tối thiểu 2 phút.
Ngoài ra, bạn cũng nên đánh răng sau bữa ăn để làm sạch thức ăn không bám trên bề mặt răng. Nếu bạn ăn hoặc uống các loại đồ ăn, thức uống chứa nhiều axit thì cần phải chờ ít nhất 30 phút mới đánh răng để tránh ảnh hưởng đến lớp men răng.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, một ngày trung bình cần vệ sinh răng miệng tối thiểu 2 lần sáng và tối
Hướng dẫn cách đánh răng đúng cách
Để đảm bảo việc đánh răng hằng ngày đạt kết quả tốt nhất, bạn nên ghi nhớ và làm theo hướng dẫn sau đây của chúng tôi:
Cách đánh răng đúng cho người lớn
Cách chải răng đúng cách chuẩn y khoa sẽ bao gồm 06 bước dưới đây:
- Bước 1: Làm sạch khoang miệng. Súc miệng với nước lọc trong vòng 30s để loại bỏ hết các vụn thức ăn thừa bám trên răng.
- Bước 2: Chuẩn bị bàn chải, kem đánh răng. Rửa bàn chải dưới vòi nước mạnh để cuốn trôi vi khuẩn bám dính trên bề mặt. Lấy một lượng kem đánh răng bằng hạt đậu lên bàn chải.
- Bước 3: Chải răng. Đặt bàn chải hướng góc 45 độ về phía nướu, lần lượt chải răng theo thứ tự: Mặt ngoài răng hàm – mặt trong răng hàm – mặt ngoài răng cửa – mặt trong răng cửa. Nên chải từ hàm trên xuống, từ hàm dưới lên kết hợp với xoay tròn bàn chải. Tiếp theo là đặt bàn chải song song để chải mặt nhai của răng.
- Bước 4: Chải mặt lưỡi. Chải mặt trên của lưỡi từ trong ra ngoài bằng đầu lông bàn chải hoặc dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ mảng trắng, vi khuẩn, độc tố từ thực phẩm còn tồn đọng gây hôi miệng.
- Bước 5: Súc miệng lại với nước. Cuối cùng là súc miệng lại với nước để loại bỏ hết bọt và kem đánh răng trong khoang miệng. Đừng quên rửa sạch bàn chải và để khô bằng cách cắm đầu bàn chải hướng lên, tay cầm ở dưới.
- Bước 6: Sử dụng chỉ nha khoa. Để tăng hiệu quả làm sạch, bạn có thể sử dụng chỉ nha khoa để lấy đi vụn thức ăn còn sót lại ở kẽ răng, chân răng.
Hướng dẫn cách bước đánh răng đúng cách cho người lớn
Cách đánh răng đúng cho trẻ em
Các bước đánh răng ở trẻ em cũng tương tự như người lớn:
- Bước 1: Đầu tiên là súc miệng với nước để làm sơ khoang miệng.
- Bước 2: Rửa sạch bàn chải, lấy một lượng kem đánh răng bằng hạt gạo.
- Bước 3: Hướng dẫn trẻ chải đều ở tất cả các mặt của răng, bao gồm ở hàm trên và hàm dưới. Chải nhẹ nhàng từ trên xuống, từ dưới lên hoặc chải theo chuyển động tròn.
- Bước 4: Sau khi chải hết răng, cho trẻ súc miệng với nước và yêu cầu trẻ nhổ kem đánh răng ra ngoài.
- Bước 5: Cuối cùng là rửa sạch bàn chải để loại bỏ hết mảng bám, vi khuẩn, kem đánh răng còn sót lại.
Quy tắc vàng cần biết giúp đánh răng đúng cách
Thông thường chúng ta sẽ đánh răng mỗi ngày, trước và sau khi ngủ dậy hoặc là sau các bữa ăn. Nhưng nếu chỉ đánh thường xuyên thôi thì sẽ là chưa đủ mà bạn cần phải đánh thật sạch để tránh làm tổn thương nướu và nắm bắt rõ các quy tắc sau đây:
- Không nên luôn bắt đầu tại một vị trí: Đa số mọi người sẽ thường bắt đầu đánh răng tại cùng một vị trí. Tuy nhiên cách hiệu quả nhất là nên bắt đầu ở các vị trí khác nhau để cho răng được chăm sóc toàn diện.
- Đánh răng nhẹ nhàng: Lúc chải răng cần phải nhẹ nhàng vì nếu không chúng ta sẽ làm tổn thương cho nướu.
- Đánh răng ít nhất là 2 phút: Hầu hết mọi người biết được thời gian tối thiểu để đánh răng là 2 phút nhưng lại không có nhiều người thực hiện đủ thời gian đó.
- Đánh răng sau ăn khoảng 30 phút: Việc đánh răng ngay khi ăn xong thì sẽ gây hại đến men răng do khoảng thời gian này độ pH trong miệng thấp hơn bình thường, có tính axit cao nên dễ làm mài mòn cũng như gây hại cho răng.
- Chú ý đến răng hàm, phía trong răng: Nhiều người hay có thói quen chỉ đánh răng ở phía ngoài mà vô tình quên hoặc chỉ đánh lướt qua phần còn lại. Nhưng nếu muốn sở hữu hàm răng tuyệt vời thì bạn hãy chú ý đến răng hàm cùng răng phía trong vì đây là địa điểm mà lưỡi tiếp xúc thường xuyên.
Đánh răng đều nhẹ nhàng và tối thiểu 2 phút nhằm đảm bảo làm sạch và loại bỏ các mảng bám trên răng miệng
Những lỗi sai phổ biến khi đánh răng cần tránh
Khi đánh răng, nhiều người thường mắc phải những sai lầm sau đây:
Lựa chọn bàn chải không phù hợp
Nhiều người thường nghĩ rằng bàn chải có lông càng cứng thì chải càng sạch. Nhưng điều này là không đúng. Bàn chải lông cứng sẽ khó len lỏi vào các kẽ răng để làm sạch vi khuẩn và mảng bám – đây là nguyên nhân gây ra các bệnh lý nướu và dẫn đến sâu răng.
Chưa kể, lông bàn chải cứng còn có thể làm tổn thương nướu và làm mòn cấu trúc răng của bạn. Vì vậy, khi lựa chọn bàn chải đánh răng, bạn nên chọn loại bàn chải có lông mềm. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến kích thước đầu bàn chải. Đầu càng chải càng nhỏ sẽ càng dễ tiếp cận với những phần sâu bên trong khoang miệng.
▷ Tham khảo thêm: Có nên dùng bàn chải đánh răng cho bé không? Vì sao
Sử dụng các loại bàn chải quá cứng hoặc không phù hợp có thể dẫn đến tổn thương mô nướu trong quá trình vệ sinh
Không thay bàn chải định kỳ
Đây là lỗi mà nhiều người thường hay mắc phải. Các bác sĩ nha khoa khuyên rằng, bạn nên thay bàn chải định kỳ 3 – 4 tháng/lần hoặc nếu thấy bàn chải có dấu hiệu bị xơ mòn, bẩn, đổi màu vì chúng chứa đầy vi khuẩn gây hại cho sức khỏe răng miệng.
Bàn chải đánh răng sử dụng lâu ngày gây tích tụ nhiều vi khuẩn, lông bị mòn không đảm bảo tốt chức năng làm sạch
Đánh răng quá nhanh
Theo khuyến nghị của các bác sĩ nha khoa, bạn nên đánh răng tối thiểu 2 phút. Thế nhưng nhiều người thường không tuân thủ thời gian đánh răng tiêu chuẩn này. Việc đánh răng quá nhanh có thể không làm sạch răng và loại bỏ hết thức ăn thừa, mảng bám.
Đánh răng quá nhanh sẽ không đảm bảo được việc loại bỏ sạch các mảng bám thức ăn trong khoang miệng
Đánh răng ngay sau khi ăn
Nếu bạn cần đánh răng sau khi ăn hoặc uống, hãy đợi ít nhất 30 phút trước khi đánh răng. Thời gian này đủ để nước bọt làm sạch axit bám trên răng. Việc đánh răng ngay lập tức có thể khiến răng bị mài mòn.
▷ Tham khảo thêm: Nên đánh răng trước hay sau khi ăn sáng thì tốt?
Đánh răng ngay lập tức sau khi ăn có thể gây ảnh hưởng và làm mòn men răng
Đánh răng quá mạnh
Nhiều người thường quan niệm rằng đánh răng mạnh mới có thể làm sạch được thức ăn thừa, mảng bám. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Việc đánh răng quá mạnh sẽ làm mài mòn răng và nướu, dễ gây ê buốt răng.
Vì vậy, bạn hãy chải răng nhẹ nhàng, di chuyển bàn chải theo chuyển động xoay tròn kết hợp với chải dọc để không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho răng và nướu.
Đánh răng quá mạnh không giúp lấy đi mảng bám hiệu quả hơn mà chúng có thể là tác nhân gây ra tổn thương nướu
Không vệ sinh lưỡi
Lưỡi là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn và là nguyên nhân chính gây hôi miệng. Sau khi đánh răng, bạn hãy vệ sinh lưỡi bằng bàn chải đánh răng hoặc dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng. Điều này sẽ làm giảm số lượng vi khuẩn trong khoang miệng và giữ cho hơi thở luôn được thơm tho.
Bên cạnh răng thì lưỡi cũng là nơi tích tụ nhiều vi khuẩn trong quá trình ăn uống cần được vệ sinh sạch sẽ
Mong rằng qua những thông tin mà Nha Khoa Kim chia sẻ ở bài viết trên, bạn đã biết cách đánh răng đúng theo khoa học. Hãy thay đổi cách đánh răng ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe răng nướu một cách tốt nhất, tránh nguy cơ mắc các bệnh như sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu.
Mỗi phòng khám thuộc hệ thống Nha Khoa Kim được Sở Y tế các tỉnh thành thẩm định các danh mục kỹ thuật khác nhau. Quý khách sẽ được thực hiện các dịch vụ theo đúng những danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế cho phép. Những danh mục khác sẽ được thực hiện tại bệnh viện.