Vôi răng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý về răng miệng. Tuy nhiên, rất ít người trong chúng ta thực sự hiểu rõ vôi răng là gì? Các mức độ và tác hại của nó? Nếu bạn cùng nằm trong số đó thì cùng theo dõi bài viết dưới đây của Nha Khoa Kim để tìm hiểu rõ hơn nhé!
Nội Dung Chính
Vôi răng là gì?
Vôi răng (còn được gọi là cao răng) là mảng bám bị vôi hóa bởi các hợp chất muối vô cơ trong nước bọt, chúng tích tụ và bám chặt ở bên dưới và bên trên đường viền nướu. Ngay cả khi bạn đã vệ sinh răng miệng, vi khuẩn vẫn luôn tồn tại trong miệng. Vi khuẩn trộn lẫn với protein và thức ăn thừa chưa được loại bỏ tạo thành một lớp màng dính gọi là mảng bám. Theo thời gian, những bám này sẽ trở nên cứng chắc và trở thành vôi răng.
Các mảng bám sau khi bị vôi hóa là nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn gây hại, phá hủy men răng, khiến nướu trở nên thô và xốp, có thể tụt khỏi răng. Việc chải răng thông thường không thể loại bỏ chúng mà phải cần đến những biện pháp vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp, chuẩn nha khoa. Khi không được được làm sạch, vôi răng sẽ gây ra các bệnh lý răng miệng như: sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu,…
Vôi răng là mảng bám bị vôi hóa lâu ngày tích tụ và bám chặt nơi viền nướu
Các loại vôi răng
Cao răng được chia thành 2 loại:
Vôi răng thường
Cao răng thường sẽ có màu trắng đục hoặc vàng nhạt, thường xuất hiện ở cổ răng. Riêng với những người có thói quen hút thuốc lá, mảng bám sẽ có màu sẫm hơn. Ở giai đoạn này nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây chảy máu chân răng, mảng bám sau khi ngấm máu sẽ trở thành cao răng huyết thanh.
Vôi răng huyết thanh
Vôi răng huyết thanh có màu đỏ nâu hoặc nâu đen, thường xuất hiện ở dưới nướu. Chúng sẽ là nơi chứa nhiều vi khuẩn hơn và là nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh lý răng miệng như viêm nướu và làm quá trình nhiễm khuẩn chân răng diễn ra nhanh hơn.
Tình trạng mảng bám thường trên răng nếu không được loại bỏ sớm, lâu ngày sẽ dần hình thành vôi răng huyết thanh
Các mức độ vôi răng
Thông thường, vôi răng sẽ được chia thành 4 cấp độ:
Cấp độ 1
Là mức độ mà các mảng bám trên răng mới được hình thành. Lớp mảng bám lúc này có tông màu nhạt và còn rất mỏng, khi quan sát khu vực đường viền nướu sẽ thấy một chút ánh trắng nhẹ. Ở cấp độ 1, các mảng bám có thể loại bỏ bằng cách đánh răng mỗi ngày nhưng không thể làm sạch triệt để.
Cấp độ 2
Ở cấp độ 2, các mảng bám thức ăn có màu sắc vẫn còn khá nhạt nhưng cứng và dày hơn nhiều so với cấp độ 1. Mảng bám trong giai đoạn này đã dính chặt vào chân răng, chỉ có thể thể bằng các dụng cụ cạo vôi răng chuyên dụng.
Cấp độ 3
Vôi răng cấp độ 3 đã chuyển sang màu vàng đậm nên rất dễ nhận biết. Chúng dày và cứng, thường nằm ở mặt trong của răng và rất khó để loại bỏ. Có một số ít trường hợp, mảng bám sẽ hình thành và nằm ở mặt ngoài của răng.
Cấp độ 4
Đây là cấp độ nặng nhất, Lúc này các mảng bám thường có màu rất đậm, thậm chí là màu đen. Chúng bắt đầu phá hủy chân răng, xuống xương hàm và tìm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe răng miệng.
Tùy vào mức độ và tình trạng tích tụ mà mảng bám trên răng được chia làm 4 cấp độ khác nhau
Vôi răng hình thành như thế nào?
Vi khuẩn luôn tồn tại trong khoang miệng của mỗi người. Khi chúng ta ăn thức ăn chứa đường và tinh bột mà không vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ và hình thành mảng bám.
Theo thời gian, mảng bám sẽ trải qua quá trình vôi hóa và trở nên cứng chắc, bám chặt vào bề mặt răng. Lúc này, mảng bám đã tiến triển thành cao răng. Nếu không sớm loại bỏ, chúng sẽ hấp thụ canxi, các chất khác trong thức ăn và nước bọt. Từ đó, trở nên sẫm màu, cứng, dày và rất khó để làm sạch.
Thức ăn giàu đường và tinh bột nếu không được làm sạch đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, hình thành mảng bám
Tác hại của vôi răng?
Các mảng bám thức ăn sau khi bị vôi hóa dần tích tụ ở phần chân răng gây ra nhiều vấn đề đến sức khỏe răng miệng như:
- Các mảng thức ăn bị vôi hóa bám chặt trên răng gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng, dễ dẫn đến tình trạng hơi thở có mùi.
- Vôi răng là nơi ẩn náu của các loại vi khuẩn gây bệnh. Các vi khuẩn làm đường trong thức ăn lên men, tạo ra acid ăn mòn men răng và ngà răng, gây sâu răng.
- Vi khuẩn tồn tại trong mảng bám làm nướu răng bị kích ứng, viêm nhiễm. Nếu không tìm cách xử lý sẽ tiến triển thành viêm nha chu, khiến mô nha bị suy yếu, đẩy lợi tụt xuống, không thể giữ được răng, khiến răng lung lay và có nguy cơ mất răng vĩnh viễn. Viêm nha chu còn tạo điều cho nhiều bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, hô hấp,…thêm nặng và khó điều trị hơn.
- Không chỉ đe dọa sức khỏe răng nướu mà chúng còn ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ. Vì vôi răng xốp nên nó bắt màu từ đồ ăn thức uống dễ dàng.
▷ Xem chi tiết hơn: Tác hại của cao răng (vôi răng) và biện pháp ngăn ngừa
Các mảng bị vôi hóa tích tụ lâu ngày ở phần chân răng gây ra các tình trạng như hôi miệng và các bệnh về nha chu
Cách điều trị vôi răng
Cạo vôi răng là kỹ thuật nha khoa giúp loại bỏ và làm sạch các mảng bám trên răng hiệu quả, an toàn và nhanh chóng hiện nay. Khi đó, bác sĩ sẽ sử dụng máy và các dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ hết các mảng bám trên bề mặt răng. Tùy vào tình trạng của nướu và mức độ của mảng bám mà bác sĩ sẽ quyết định lấy 1 lần hay nhiều lần và có cần dùng thêm thuốc hay không.
Lấy cao răng là kỹ thuật nha khoa giúp loại bỏ và làm sạch các mảng bám trên răng nhanh chóng, hiệu quả
Làm sao để không bị vôi răng?
Để tránh các bệnh lý răng miệng, tốt nhất bạn nên ngăn ngừa mảng bám hình thành ngay từ đầu, từ đó hạn chế sự tích tụ của vôi răng trên bề mặt răng. Để làm được điều này, có một số cách như sau:
- Đánh răng 2 – 3 lần/ngày bằng bàn chải đánh răng lông mềm và kem đánh răng có thành phần Fluor – giúp sửa chữa hư hỏng men răng hoặc thành phần triclosan – ngăn không cho vi khuẩn trong mảng bám tấn công răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa 2 lần/ngày, đặc biệt là sau bữa ăn để loại bỏ thức ăn thừa bám vào kẽ răng.
- Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn 2 lần/ngày để tiêu diệt vi khuẩn gây mảng bám và tích tụ vôi răng. Lưu ý sử dụng nước súc miệng không có cồn để tránh nướu bị kích ứng.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá vì nghiên cứu cho thấy các thành phần trong thuốc lá khiến mảng bám phát triển cao hơn so với người bình thường.
- Thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần để được thăm khám và làm sạch răng miệng chuyên nghiệp.
- Có chế độ ăn uống khoa học, hạn chế thức ăn nhiều đường và tinh bột. Vì những thực phẩm này khi tiếp xúc với vi khuẩn trong khoang miệng sẽ tiết ra vi acid có hại.
▷ Tham khảo thêm: Lấy cao răng có đau không? Khi nào nên lấy?
Lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần là cách tốt nhất giúp loại bỏ và ngăn ngừa sự hình thành của mảng bám trên răng
Có thể thấy, vôi răng là tình trạng vôi hóa do các mảng bám trên răng lâu ngày không được vệ sinh và làm sạch kỹ gây nên. Nếu không sớm phát hiện và điều trị có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý về răng miệng, đặc biệt là nha chu và nặng hơn có thể làm tăng nguy cơ mất răng vĩnh viễn. Theo khuyến cáo, nên thực hiện lấy cao răng 6 tháng/lần nhằm đảm bảo ngăn ngừa và hạn chế các bệnh lý răng miệng tốt hơn. Đồng thời, nên lựa chọn những nha khoa uy tín, có đội ngũ bác sĩ giỏi, dày dặn kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại như Nha Khoa Kim để làm sạch vôi răng nhanh chóng, an toàn, không đau, không chảy máu nhiều.
Mỗi phòng khám thuộc hệ thống Nha Khoa Kim được Sở Y tế các tỉnh thành thẩm định các danh mục kỹ thuật khác nhau. Quý khách sẽ được thực hiện các dịch vụ theo đúng những danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế cho phép. Những danh mục khác sẽ được thực hiện tại bệnh viện.