Viêm họng cấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm họng cấp là một bệnh lý về tai mũi họng, thường xảy ra vào mùa đông hoặc thời điểm giao mùa với dấu hiệu cơ bản là những cơn đau họng dai dẳng. Hãy cùng Nha Khoa Kim tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị viêm họng cấp qua bài viết dưới đây nhé!

Viêm họng cấp là gì?

Viêm họng cấp là tình trạng viêm cấp tính ở vùng niêm mạc thành sau họng do sự lây lan của vi khuẩn hoặc virus qua đường hô hấp. Bệnh thường đi kèm với viêm mũi, viêm amidan do các tổ chức này gần cạnh nhau. Viêm họng cấp thường có các triệu chứng điển hình như đỏ, sưng, ngứa, đau, rát, ho, khàn giọng, khó nuốt, sốt, mệt mỏi. Ngoài ra, các triệu chứng có thể khác nhau tùy vào nguồn lây bệnh. 

Viêm họng cấp là gì?

Viêm họng cấp là bệnh lý về tai, mũi và họng thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa

Nguyên nhân gây viêm họng cấp

Viêm họng cấp có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra nhưng virus là nguyên nhân phổ biến hơn. 

Virus gây viêm họng cấp gồm:

  • Virus Adeno
  • Virus Entero
  • Virus Herpangina
  • Coxsackie A16
  • Virus Herpes simplex (HSV)
  • Virus sởi

Vi khuẩn gây viêm họng cấp gồm:

  • Liên cầu khuẩn nhóm A
  • Vi khuẩn bạch hầu
  • Vi khuẩn lậu cầu
  • Fusobacterium Necrophorum
  • Arcanobacterium

Nguyên nhân gây viêm họng cấp

Viêm họng cấp thường xuất hiện do vi khuẩn và virus lây qua đường hô hấp

Triệu chứng của viêm họng cấp do nhiễm virus

Tùy vào mỗi loại virus khác nhau mà triệu chứng của viêm họng cấp cũng sẽ có các dấu hiệu và biểu hiện khác biệt, cụ thể:

Nhiễm Adenovirus

Nhiễm trùng đường hô hấp trên với các biểu hiện như sốt, sưng huyết hầu họng, phì đại amidan, kết hợp với xuất tiết đờm và sưng hạch cổ. Nếu viêm kết mạc xảy ra đồng thời với viêm họng do virus sẽ làm xuất hiện hội chứng sốt – kết mạc – họng. Bệnh thường kéo dài đến 7 ngày và không đáp ứng với kháng sinh, có thể tái nhiễm nhiều lần ở trẻ em.

Nhiễm Enterovirus

Enterovirus là nguyên nhân gây đau họng, nhất là vào mùa hè. Các triệu chứng thường gặp bao gồm sốt cao, sung huyết hầu họng, xuất tiết amidan, viêm hạch cổ. Tuy nhiên, sẽ hết trong vài ngày.

Nhiễm virus Herpangina

Đặc trưng của nhiễm virus Herpangina là các tổn thương dạng mụn nước màu trắng xám, rải rác, đơn đớn, xuất hiện ở phía sau hầu họng. Các mụn nước này có đường kính từ 1 – 2mm, trước khi loét ra chúng được bao quanh bởi hồng ban. 

Người bệnh có thể sốt cao lên đến 39.5°C đi kèm đau đầu dữ dội, cơ thể khô khan, mất nước. Thông thường, bệnh sẽ kéo dài không quá 7 ngày.

Nhiễm Coxsackie A16

Viêm hầu họng do nhiễm Coxsackie A16 sẽ xuất hiện các mụn nước ở khắp vùng hầu họng, gây đau nhức, lở loét. Mụn nước cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ít hơn ở thân và tứ chi. Người bệnh có thể bị sốt nhẹ và thời gian bệnh kéo dài khoảng 7 ngày.

Nhiễm virus Herpes Simplex (HSV)

Người bệnh khi bị nhiễm trùng nguyên phát do Virus Herpes Simplex gây ra thường có biểu hiện sốt cao kèm theo viêm nướu răng cấp tính với các mụn nước xuất hiện ở khắp phần trước của miệng và môi.

Nhiễm virus sởi

Nhiễm virus sởi thường xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Trong giai đoạn đầu, bệnh có những triệu chứng nổi bật ở miệng. Ngoài ho, sốt cao, sổ mũi, viêm kết mạc, hầu họng có thể sung huyết nhiều và lan rộng. Tuy nhiên, không bị sưng amidan và không tiết dịch.

Khi khám lâm sàng có sự xuất hiện của các đốm Koplik màu trắng hoặc xanh trắng trên niêm mạc nướu gần răng hàm dưới.

▷ Tham khảo thêm: Viêm họng hạt: Nguyên nhân, Dấu hiệu và cách chữa trị

Triệu chứng của viêm họng cấp do nhiễm virus

Đau họng kèm theo sốt cao liên tục là dấu hiệu phổ biến của bệnh viêm họng cấp do virus gây ra

Triệu chứng của viêm họng cấp do nhiễm khuẩn

Tình trạng viêm vọng do vi khuẩn gây ra thường sẽ có các biểu hiện sau:

Liên cầu khuẩn nhóm A

Biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh là khởi phát đột ngột gây sốt và đau họng. Các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, khó chịu, buồn nôn cũng thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị ho, viêm kết mạc, tiêu chảy, tổn thương niêm mạc họng, khàn giọng.

Khi khám bệnh thấy hầu họng bị sung huyết rõ rệt, có thể xuất hiện các đốm xuất huyết trên vòm miệng hoặc trong họng, nhất là thể bệnh tăng bạch cầu đơn thân. Amidan to ra, có hốc nhú trên bề mặt. Các nhú của lưỡi cũng sưng đỏ, hạch cổ mềm và sưng to.

Sốt tinh hồng nhiệt

Triệu chứng thường gặp là ban đỏ xuất hiện trên mặt và sẽ lan ra toàn thân sau 24 giờ. Sau vài ngày, các vết ban sẽ bong ra trông giống như bị cháy nắng nhẹ. Ngoài ra, người bệnh cũng gặp phải các triệu chứng khác như: ho, chảy máu cam, viêm kết mạc, viêm thanh quản, hôi miệng, tiêu chảy,…

Nhiễm khuẩn trong tăng bạch cầu đơn thân

Các triệu chứng đặc hiệu bao gồm: sốt, viêm họng cấp, sưng amidan có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp, ban đỏ và xuất tiết amidan. Các hạch bạch huyết cổ thường mềm và sưng to.

Nhiễm khuẩn Fusobacterium Necrophorum

Bệnh có triệu chứng ban đầu là sốt, đau họng, viêm họng xuất tiết, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến áp xe thành sau họng. Các triệu chứng kéo dài, cổ sưng đau dữ dội, bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm độc.

Nhiễm khuẩn Arcanobacterium

Bệnh thường gặp với các triệu chứng như sung huyết hầu họng, có dịch tiết ra từ amidan, viêm hạch cổ, sốt nhẹ. Ngoài ra, còn xuất hiện các chấm xuất huyết ở lòng bàn tay và lưỡi, phát ban dạng sốt tinh hồng nhiệt ở lòng bàn tay, chân và mặt, phát ban đỏ và trắng gây bong tróc, ngứa.

Nhiễm khuẩn bạch hầu

Thời gian ủ bệnh từ 1 – 5 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng, chán ăn khó chịu. Màng trắng xuất hiện trên amidan và thành họng nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở khí quản và thanh quản.

Nhiễm khuẩn lậu cầu

Bệnh thường có các triệu chứng như viêm amidan có mủ, loét nhưng đôi khi không có triệu chứng và tự khỏi sau một thời gian ngắn.

Nhiễm khuẩn Haemophilus influenzae type b

Bệnh có dấu hiệu với sự khởi đầu cấp tính là đau họng và sốt cao, sau đó nhanh chóng tiến triển làm tổn thương đường hô hấp. Bệnh nhân hay chảy nước bọt, nói lắp hoặc nói khó.

Triệu chứng của viêm họng cấp do nhiễm khuẩn

Sốt cao đột ngột, đau họng, đau đầu kèm theo buồn nôn là những dấu hiệu phổ biến của viêm họng cấp do vi khuẩn gây ra

Viêm họng cấp có nguy hiểm không?

Viêm họng cấp đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em. Bệnh nếu không điều trị kịp thời sẽ tiến triển thành viêm họng mãn tính và gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Bao gồm:

  • Viêm phổi, viêm gan, viêm cơ tim, viêm cơ thường gặp ở nhiễm virus Adeno
  • Viêm màng não, viêm cơ tim thường gặp ở nhiễm virus Entero
  • Áp xe thành sau họng
  • Viêm xoang, viêm xương chũm, viêm tai giữa do liên cầu nhóm A

Viêm họng cấp có nguy hiểm không?

Viêm họng cấp nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm họng cấp

Để xác định được viêm họng cấp và nguồn gây bệnh, cần phải tiến hành khám lâm sàng. Nếu sau khi khám chưa đủ cơ sở để xác định bệnh thì cần thực hiện thêm các xét nghiệm.

Khám lâm sàng

Trước khi biểu hiện triệu chứng, viêm họng cấp sẽ có thời gian ủ bệnh. Các triệu chứng lâm sàng thường kéo dài từ 1 – 2 tuần, bao gồm:

  • Ho
  • Khàn giọng
  • Loét miệng
  • Viêm kết mạc
  • Viêm thanh quản
  • Nổi hạch

Ngoài ra, một số loại virus có thể gây ra các triệu chứng lâm sàng riêng biệt như sổ mũi, ho, viêm họng, đau đầu, đau cơ, sốt cao, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng này có thể chẩn đoán dễ dàng mà không cần xét nghiệm.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Từ đó, đưa ra hướng điều trị đúng để tình trạng bệnh nhanh chóng thuyên giảm.

  • Xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RADT): Được thực hiện khi có nghi ngờ nguyên nhân gây viêm họng là do liên cầu nhóm A
  • Nuôi cấy dịch họng: Được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” để xác định nguyên nhân gây viêm họng cấp.
  • Xét nghiệm máu: Được thực hiện khi có nghi ngờ tác nhân gây viêm họng cấp là do liên cầu khuẩn.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Được chỉ định khi bệnh nhân có biểu hiện biến chứng áp xe thành sau họng do viêm họng cấp.

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm họng cấp

Khám lâm sàng và chuẩn đoán cận lâm sàng là các biện pháp giúp chuẩn đoán viêm họng cấp được sử dụng phổ biến hiện nay

Cách điều trị viêm họng cấp

Viêm họng có cấp thể điều trị bằng thuốc kết hợp với các phương pháp hỗ trợ tại nhà.

Điều trị bằng thuốc

Nếu bệnh nhân bị viêm họng cấp do vi khuẩn có kết quả RADT dương tính hoặc cấy dịch cổ họng, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh Penicillin hoặc Amoxicillin để điều trị bệnh và giảm nguy cơ mắc di chứng, chẳng hạn như áp xe thành sau họng.

Ngoài thuốc kháng sinh, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thêm một số loại thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng như thuốc kháng viêm, giảm ho, giảm đau đầu,… một số loại thuốc điều trị tại chỗ như thuốc súc họng, bôi họng, khí dung họng.

*Lưu ý: Tuyệt đối không được tự ý kê đơn và sử dụng thuốc bên ngoài khi chưa có sự thăm khám và đồng ý từ phía bác sĩ.

Cách điều trị viêm họng cấp bằng thuốc

Sử dụng thuốc kháng sinh và giảm viêm thường giúp điều trị và làm giảm tình trạng viêm họng cấp di vi khuẩn gây ra

Điều trị phẫu thuật

Trường hợp viêm họng cấp để lại di chứng và không đáp ứng với điều trị y tế thông thường, chẳng hạn như áp xe thành sau họng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phẫu thuật dẫn lưu để điều trị.

Điều trị hỗ trợ tại nhà

Bên cạnh uống thuốc, người bệnh cũng có thể thực hiện các biện pháp điều trị hỗ trợ tại nhà để giảm các triệu chứng viêm họng cấp.

  • Súc họng bằng nước muối sinh lý: Nước muối có tác dụng kháng viêm và làm giảm số lượng vi khuẩn trong vòm họng. Người bệnh nên súc họng bằng nước muối 2 lần/ngày, vào buổi sáng và tối hoặc mỗi khi ho nhiều, đau họng.
  • Xông tinh dầu: Các loại tinh dầu như xả, gừng, bạc hà, hoa cúc,…có chứa các chất kháng viêm sẽ giúp làm dịu cổ họng, giảm nghẹt mũi, mang đến cho người bệnh cảm giác dễ chịu hơn.
  • Uống các loại trà thảo dược nấm: Các loại trà ấm như trà gừng, trà quế, trà hoa cúc, trà bạc hà có thể làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi, đau họng. Người bệnh nên uống vào buổi sáng sau khi thức dậy để giúp thông đường thở tốt hơn.
  • Sử dụng mật ong: Mật ong có chứa các chất kháng viêm tự nhiên giúp làm giảm đau họng hiệu quả, thường được dùng cho cả người lớn và trẻ em.
  • Thuốc xịt họng: Các loại thuốc xịt mũi họng có chứa thành phần phenol cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị tại nhà.

▷ Xem thêm: Hướng dẫn cách pha nước muối súc miệng ngay tại nhà chuẩn nha khoa

Cách điều trị viêm họng cấp tại nhà

Súc miệng bằng nước muối và sử dụng các loại thảo dược trị viêm giúp giảm tình trạng viêm họng hiệu quả

Viêm họng cấp khác gì so với viêm họng mãn tính?

Hầu hết các trường hợp viêm họng cấp là do virus và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (không quá 14 ngày). Khác với viêm họng cấp, viêm họng mạn tính kéo dài nhiều tuần và không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường.

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm họng cấp hiệu quả

Nguyên nhân phổ biến gây viêm họng cấp là do virus. Vì vậy, các tốt nhất để phòng ngừa chính là ngăn chặn sự lây lan của các loại virus như:

  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài
  • Hạn chế tụ tập nơi đông người
  • Không tiếp xúc với người bệnh
  • Giữ ấm cơ thể, hạn chế uống nước đá, rượu bia sẽ gây kích ứng niêm mạc họng
  • Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi về nhà
  • Duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để sớm phát hiện và điều trị kịp thời các nguyên nhân có thể gây viêm họng cấp.

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm họng cấp hiệu quả

Sử dụng khẩu trang và vệ sinh răng miệng sạch sẽ ở thời điểm giao mùa giúp ngăn chặn và phòng bệnh tốt

Viêm họng cấp là tình trạng viêm nhiễm ở vùng niêm mạc thành sau họng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là người lớn tuổi và trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện ở thời điểm giao mùa, do đó việc nhân biết và vệ sinh răng miệng sạch sẽ là điều cần thiết giúp phòng và ngăn ngừa bệnh hiệu quả.  Hy vọng với những chia sẻ của Nha Khoa Kim về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị viêm họng cấp tính. Bệnh lý này cần điều trị càng sớm càng tốt, nếu không sẽ chuyển sang viêm họng mạn tính và để lại nhiều di chứng.

Mỗi phòng khám thuộc hệ thống Nha Khoa Kim được Sở Y tế các tỉnh thành thẩm định các danh mục kỹ thuật khác nhau. Quý khách sẽ được thực hiện các dịch vụ theo đúng những danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế cho phép. Những danh mục khác sẽ được thực hiện tại bệnh viện.

ĐẶT HẸN THĂM KHÁM

Quý khách vui lòng để lại thông tin, Nha Khoa Kim sẽ liên hệ trong vòng 3 phút. (Thời gian làm việc của tổng đài từ 7h30 đến 23h30)