Niêm mạc miệng là gì? Nguyên nhân gây viêm và cách điều trị

Niêm mạc miệng là một phần quan trọng trong khoang miệng giúp duy trì độ ẩm và ngăn chặn vi khuẩn tấn công. Là một lớp mô mỏng bao quanh trong khoang miệng nên niêm mạc thường dễ bị viêm, loét hoặc sưng đỏ thì dễ gây nên đau đớn, cản trở cho người bệnh khi ăn uống và nói chuyện. Vậy làm cách nào để nhận biết lớp niêm mạc bị viêm và cách điều trị như thế nào? Cùng Nha Khoa Kim tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết sau!

Niêm mạc miệng là gì?

Niêm mạc miệng là lớp mô mềm, ẩm ướt bao phủ khoang miệng với nướu, vòm miệng, má trong, lưỡi và sàn miệng. Lớp niêm mạc có vai trò ngăn chặn vi khuẩn và những tác nhân gây hại xâm nhập vào miệng. Đồng thời, chúng chứa các tế bào vị giác để bạn phân biệt được vị ngọt, chua mặn…và tiết nước bọt để duy trì độ ẩm trong khoang miệng.

Niêm mạc miệng là gì?

Niêm mạc là lớp mô mềm bao phủ bên trong khoang miệng giúp ngăn chặn sự tấn công của vi khuẩn

Cấu tạo của niêm mạc miệng

Tuy chỉ là một lớp mỏng bao quanh các cơ quan trong khoang miệng nhưng niêm mạc lại có cấu tạo đa tầng phức tạp với 3 lớp chính như sau:

  • Lớp biểu mô: Là lớp ngoài cùng được cấu tạo bởi nhiều tế bào gồm: tế bào vảy, tế bào hình gai, tế bào lympho và tế bào bạch cầu. Chúng có nhiệm vụ tái tạo và bảo vệ lớp niêm mạc.  
  • Lớp màng đáy: Có vị trí nằm giữa lớp biểu mô và lớp mô liên kết, lớp màng đáy có vai trò duy trì cấu trúc và chức năng của niêm mạc.
  • Lớp mô liên kết: Được xem là thành phần chính của niêm mạc miệng, lớp mô liên kết có vị trí nằm dưới lớp màn đáy. Chúng đóng nhiệm vụ quan trọng trong việc cung cấp dưỡng chất, hỗ trợ cấu trúc và tham gia vào chức năng quan trọng của niêm mạc.

Cấu tạo của niêm mạc miệng

Niêm mạc miệng có cấu tạo từ 3 lớp chính là lớp biểu mô, màng đáy và lớp mô liên kết

Cách phân biệt niêm mạc miệng bình thường và bị viêm

Viêm niêm mạc là một trong những bệnh lý răng miệng khá phổ biến và xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy bệnh không mang quá nhiều nguy hiểm nhưng cũng cần được phát hiện và điều trị từ sớm, hạn chế lây qua các cơ quan khác trong khoang miệng. 

Niêm mạc miệng bình thường

  • Niêm mạc có màu hồng nhạt hoặc hơi cam: cho thấy chúng đang khỏe mạnh, máu lưu thông tốt và cung cấp đầy đủ oxy cho các tế bào.
  • Bề mặt mềm mại, mịn màng: đồng thời không chứa mảng bám và không có vết loét hay sưng tấy trên bề mặt cho thấy lớp niêm mạc đang khỏe mạnh
  • Duy trì độ ẩm cao: Niêm mạc trong trạng thái bình thường sẽ luôn ẩm ướt nhờ quá trình tiết dịch của các tuyến nước bọt. Độ ẩm này có tác dụng giúp bề mặt niêm mạc trơn và gây ức chế quá trình phát triển của vi khuẩn, nấm mốc.
  • Đàn hồi tốt: Khi niêm mạc khỏe mạnh, mức độ đàn hồi tương đối ổn định, có thể kéo hoặc nhấn nhẹ nhưng không bị biến dạng hoặc rách.

Niêm mạc miệng bình thường

Niêm mạc khỏe mạnh có màu hồng hạt, mềm mại với độ đàn hồi tốt

Niêm mạc miệng bị viêm

Khi niêm mạc bị viêm, lở loét sẽ có những dấu hiệu như:

  • Màu sắc không bình thường: Khi lớp niêm mạc khi bị viêm, nấm hoặc loét sẽ chuyển sang màu trắng, xám, vàng hoặc đốm đen. 
  • Vết loét kéo dài: Viêm, loét niêm mạc thường kéo dài dai dẳng trong nhiều ngày và kèm theo tình trạng đau nhức, sưng tấy. 
  • Khô miệng: Lớp niêm mạc khi bị viêm gây ra tình trạng thiếu độ ẩm trong miệng do giảm tiết nước bọt. Nếu khô miệng kéo dài sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng, sâu răng hoặc viêm nướu.
  • Đau nhức, rát, ngứa: Khi lớp niêm mạc bị tổn thương sẽ xuất hiện tình trạng đau nhức dai dẳng và lan rộng khắp khoang miệng. Điều này gây khó khăn trong quá trình ăn uống, nói chuyện cũng như sinh hoạt của người bệnh.

Niêm mạc miệng bị viêm

Niêm mạc bị viêm thường có màu trắng hoặc ngả vàng, đi kèm với đó là các vết loét kéo dài

Nguyên nhân gây viêm niêm mạc miệng

Tình trạng viêm niêm mạc kéo dài gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu cho người bệnh, đồng thời cản trở trong quá trình ăn uống, giao tiếp hàng ngày. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm niêm mạc, phổ biến như:

Tổn thương do trầy xước

Trên thực tế, trầy xước niêm mạc xuất phát từ quá trình sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Phổ biến như đánh răng quá mạnh hay ăn thức ăn cứng cũng có thể làm cho niêm mạc bị trầy xước, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm, loét. 

Nhiễm virus

Virus, đặc biệt là HSV-1 (virus herpes simplex) là một trong những nguyên nhân lớn khiến cho niêm mạc bị viêm. Nếu virus xâm nhập vào khoang miệng chúng sẽ tấn công niêm mạc, tạo thành các tổn thương và vết loét. 

Virus herpes simplex thường lây qua khi tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm biệt qua tuyến nước bọt, dùng chung bàn chải đánh răng hay khăn mặt… Ngoài ra, những loại virus khác như Virus Varicella-Zoster và Virus Coxsackie (gây bệnh tay chân miệng) cũng là nguyên nhân gây loét niêm mạc.

Áp xe niêm mạc miệng

Áp xe niêm mạc là hiện tượng hình thành mủ dưới niêm mạc do vi khuẩn tích tụ gây ra tạo thành các vết sưng tấy, đỏ và đau nhức. Chúng có thể phát triển sang những khu vực khác trong niêm mạc, dẫn đến tổn thương diện rộng. Trong nhiều trường hợp, áp xe niêm mạc không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử mô. 

Bệnh nấm miệng

Nấm Candida cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra các thương tổn trên niêm mạc, hình thành các vết viêm và loét kèo dài. Khi hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể không còn nhiều sức đề kháng để ngăn ngừa sự phát triển quá mức của nấm Candida. Từ đó, nấm tấn công vào tế bào niêm mạc, hình thành các phản ứng viêm và dẫn đến viêm loét. Thông thường, những vết này sẽ đi kèm với mảng trắng hoặc màu trắng kem trên niêm mạc miệng. 

Cách điều trị viêm niêm mạc miệng

Điều trị viêm niêm mạc không quá khó nếu bạn phát hiện sớm và can thiệp đúng cách. Theo các chuyên gia, để cải thiện và chữa trị dứt điểm niêm mạc miệng bị viêm có những biện pháp như:

  • Thăm khám Bác sĩ: Bác sĩ có chuyên môn sẽ xác định được tình trạng viêm niêm mạc miệng một cách chính xác nhất, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
  • Sử dụng thuốc điều trị: Trong nhiều trường hợp viêm niêm mạc sẽ được chỉ định sử dụng kháng sinh. Đồng thời, kết hợp thuốc bôi tại chỗ sẽ rút ngắn thời gian điều trị, giúp niêm mạc sớm phục hồi trạng thái bình thường. 
  • Uống nhiều nước: Khô miệng cũng là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến viêm niêm mạc miệng. Vì thế, bạn cần duy trì độ ẩm trong khoang miệng và uống đủ nước. Đặc biệt trong thời gian niêm mạc miệng bị viêm hãy tăng tần suất uống nước hơn.
  • Chế độ ăn uống phù hợp: Bổ sung thực phẩm có nhiều dinh dưỡng cho cơ thể là điều rất cần thiết, đặc biệt nếu bạn đang viêm niêm mạc. Các loại trái cây giàu vitamin C như bưởi, chanh, cam.. hoặc các loại rau có màu xanh đậm sẽ giúp niêm mạc khỏe mạnh và ít bị tổn thương hơn. 
  • Khám răng định kỳ: Quá trình kiểm tra, khám răng định kỳ sẽ giúp bác sĩ phát hiện sớm các vấn đề như: viêm nướu, mảng bám trên răng, sâu răng, dấu hiệu nhiễm trùng… Điều này hỗ trợ giải quyết triệt để các vấn đề răng miệng ngăn chặn sự phát triển thành viêm loét niêm mạc miệng.

▷ Tham khảo thêm: Khám răng định kỳ bao lâu một lần? Chi phí khám

Cách điều trị viêm niêm mạc miệng

Viêm niêm mạc là bệnh lý phổ biến và có thể điều trị bằng thuốc

Biện pháp phòng ngừa viêm niêm mạc

Chuyên gia y tế khuyên rằng, để phòng ngừa viêm niêm mạc, bạn hãy: 

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách, kết hợp súc miệng bằng dung dịch có chứa chlorhexidine hoặc nước muối sinh lý. Đồng thời, nên sử dụng tăm nước và chỉ tăm nha khoa để chăm sóc răng miệng sạch sẽ hơn.
  • Duy trì độ ẩm cho khoang miệng bằng cách uống đủ nước mỗi ngày.
  • Cố gắng hạn chế tác động mạnh lên viêm mạc để ngăn ngừa những tổn thương không đáng có.
  • Bổ sung chất dinh dưỡng nhất là những thực phẩm giàu kẽm, vitamin, chất khoáng, rau xanh và hoa quả tươi.
  • Không nên ăn nhiều các loại thức ăn có tính chất kích thích cao chỗ như: ớt, tiêu, gia vị cay, các loại nước uống có cồn và cafein…
  • Tập luyện thể thao nâng cao sức đề kháng và cân bằng cảm xúc cá nhân để hạn chế trạng thái căng thẳng thần kinh. 

Viêm loét niêm mạc miệng là một bệnh lý phổ biến, tuy không trực tiếp gây nguy hiểm lên sức khỏe răng miệng nhưng chúng lại gián tiếp gây ra các bệnh lý khác. Do đó, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường của niêm mạc, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị đúng cách. Đồng thời, giữ gìn vệ sinh răng miệng đúng cách, duy trì thói quen khám răng định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo sức khỏe răng miệng tốt nhất nhé!

Mỗi phòng khám thuộc hệ thống Nha Khoa Kim được Sở Y tế các tỉnh thành thẩm định các danh mục kỹ thuật khác nhau. Quý khách sẽ được thực hiện các dịch vụ theo đúng những danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế cho phép. Những danh mục khác sẽ được thực hiện tại bệnh viện.

ĐẶT HẸN THĂM KHÁM

Quý khách vui lòng để lại thông tin, Nha Khoa Kim sẽ liên hệ trong vòng 3 phút. (Thời gian làm việc của tổng đài từ 7h30 đến 23h30)