Nấm miệng, một bệnh lý phổ biến ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Tình trạng này thường gây ra nhiều bất tiện và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Cùng Nha khoa Kim tìm hiểu về bệnh nấm miệng, cách điều trị hiệu quả để đảm bảo sức khỏe và thoải mái ăn uống nhé!
Nội Dung Chính
Nấm miệng ở trẻ nhỏ và người lớn là bệnh gì?
Bệnh nấm miệng, còn được gọi là candida miệng hoặc tưa miệng, là một tình trạng xảy ra khi nấm Candida albicans phát triển quá mức trong niêm mạc miệng, gây ra những tổn thương dạng đốm màu trắng trên lưỡi và má.
Đôi khi, bệnh nấm miệng có thể lan rộng đến vòm miệng, nướu, amidan hoặc thành sau cổ họng. Một số người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nấm miệng, nấm lưỡi như:
- Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi
- Trẻ em mới biết đi
- Người lớn từ 65 tuổi trở lên
- Những người hệ thống miễn dịch suy yếu
Yếu tố nguy cơ gây nấm miệng
Hệ miễn dịch suy giảm
Bệnh nấm miệng có khả năng xuất hiện nhiều ở trẻ sơ sinh và người lớn tuổi do khả năng miễn dịch suy giảm. Ngoài ra, một số tình trạng bệnh như ung thư, HIV/AIDS, sử dụng các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch và các phương pháp điều trị như cấy ghép nội tạng có thể cản trở hệ thống miễn dịch.
Bệnh tiểu đường
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường và không được điều trị hoặc bệnh không được kiểm soát tốt, việc có nước bọt chứa một lượng lớn đường có thể khuyến khích sự phát triển của nấm candida trong khoang miệng. Từ đó, bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc nấm miệng.
Tình trạng nhiễm nấm âm đạo
Sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans có thể gây ra cả nấm miệng và nhiễm trùng nấm âm đạo. Trẻ sơ sinh có thể nhiễm nấm Candida khi sinh nếu người mẹ bị nhiễm nấm âm đạo.
Sử dụng nhiều loại thuốc
Sự cân bằng tự nhiên của vi sinh vật trong cơ thể có thể bị xáo trộn bởi các loại thuốc như prednisone, corticosteroid dạng hít hoặc thuốc kháng sinh. Điều này gây hại cho vi khuẩn và làm ức chế hệ thống miễn dịch, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho nấm Candida phát triển cũng như làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm miệng.
Các bệnh răng miệng khác
Việc đeo răng giả, đặc biệt là răng giả hàm trên hoặc có các miếng trám, có thể tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn Candida bám vào và phát triển. Ngoài ra, mắc các bệnh lý gây khô miệng cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm miệng.
Dấu hiệu của bệnh nấm miệng
Trẻ em và người lớn
Bệnh nấm miệng ở trẻ em và người lớn ban đầu có thể không có dấu hiệu rõ ràng, nhưng khi bệnh tiến triển, xuất hiện các dấu hiệu như sau:
- Bề mặt lưỡi, má trong và đôi khi vòm miệng, nướu và amidan xuất hiện những tổn thương màu trắng kem và có thể nổi lên.
- Cảm giác đỏ, nóng rát hoặc đau nhức khiến việc ăn hoặc nuốt trở nên khó khăn.
- Tạo cảm giác giống như có bông trong miệng.
- Tình trạng chảy máu nhẹ do tổn thương bị cọ xát
- Nứt và đỏ ở khóe miệng
- Mất vị giác
- Đỏ, kích ứng và đau dưới răng giả
Trong những tình huống nghiêm trọng như bị ung thư hoặc hệ thống miễn dịch suy giảm do HIV/AIDS, tổn thương có thể lan xuống dạ dày, gây ra cảm giác đau đớn, khó khăn trong việc nuốt, hoặc như có một cục thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng.
Trẻ sơ sinh và mẹ bầu
Ngoài những tổn thương miệng, trẻ sơ sinh có thể gặp khó khăn khi bú, thường xuyên quấy khóc và cáu gắt. Đặc biệt, nếu trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng, có thể truyền nấm candida qua lại giữa vú mẹ và miệng của em bé trong quá trình cho con bú.
Mẹ bầu bị nhiễm nấm candida có thể nhận biết các triệu chứng sau đối với vùng núm vú:
- Núm vú nhạy cảm, có thể bị nứt đỏ hoặc ngứa bất thường.
- Da vùng núm vú có thể trở nên sáng bóng hoặc bong tróc, thường xuất hiện vùng tròn sẫm màu xung quanh núm vú.
- Cảm thấy đau đớn ở vùng núm vú một cách bất thường khi cho con bú hoặc giữa các lần cho con bú.
Biến chứng của bệnh nấm miệng
Với những người có khả năng miễn dịch suy giảm, như điều trị ung thư hoặc HIV/AIDS, bệnh nấm miệng có thể dẫn đến nhiễm nấm candida lan rộng trong toàn cơ thể và gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:
- Tình trạng khó nuốt và suy hô hấp khi nấm xâm lấn đến khí quản và thực quản.
- Nhiễm nấm candida trong phế quản và phổi.
- Viêm thực quản.
Cách chẩn đoán bệnh nấm miệng
Có một số phương pháp chẩn đoán bệnh, bao gồm:
- Kiểm tra miệng: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổn thương bằng mắt thường và có thể sử dụng kính hiển vi để chẩn đoán bạn có bị nấm miệng hay không. Các tổn thương thường có vùng đỏ, mềm và có thể chảy máu nhẹ khi bị cọ xát.
- Soi hoặc cấy dịch: Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị tưa miệng trong thực quản, họ sẽ sử dụng phương pháp nuôi cấy dịch từ cổ họng hoặc sử dụng nội soi để chẩn đoán.
- Chụp X-quang: Kiểm tra tổn thương trong thực quản bằng cách sử dụng chụp X-quang.
Các phương pháp chữa bệnh nấm miệng
Mục tiêu của việc điều trị bệnh nấm miệng là ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của nấm và loại bỏ các nguyên nhân cơ bản, từ đó đảm bảo ngăn ngừa tái phát.
- Trường hợp nhiễm trùng nhẹ đến trung bình: phương pháp điều trị hiệu quả là sử dụng thuốc kháng nấm như clotrimazole, miconazole hoặc nystatin bôi bên trong miệng bằng tăm bông trong khoảng 7 đến 14 ngày.
- Trường hợp nhiễm trùng nặng: fluconazole thông qua đường uống hoặc tĩnh mạch là phương pháp điều trị phổ biến nhất.
▷ Xem thêm: Thuốc bôi nhiệt miệng nuốt có sao không? 5 loại thuốc an toàn cho bạn.
Ngoài việc sử dụng thuốc chống nấm, có một số biện pháp hỗ trợ điều trị nấm miệng và ngăn ngừa tái phát, bao gồm:
- Súc miệng bằng nước muối: cách này giúp giảm các triệu chứng của nấm miệng nhờ vào đặc tính khử trùng và giảm đau.
- Bổ sung probiotic: các loại probiotic chứa acidophilus và vi khuẩn bifidus giúp khôi phục hệ vi sinh vật khỏe mạnh trong cơ thể, ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nấm candida.
- Bổ sung các vitamin và khoáng chất: vitamin A, C, E, kẽm, coenzyme Q10 và selen giúp tăng cường khả năng chống oxy hóa, đồng thời chống lại nhiễm trùng của cơ thể.
Tóm lại, hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị đúng sẽ giúp ngăn ngừa cũng như xử lý tình trạng nấm miệng một cách hiệu quả. Việc duy trì vệ sinh tốt, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, và hạn chế các yếu tố gây nguy cơ nhiễm nấm sẽ giúp bạn luôn có sức khỏe răng miệng tốt.
Mỗi phòng khám thuộc hệ thống Nha Khoa Kim được Sở Y tế các tỉnh thành thẩm định các danh mục kỹ thuật khác nhau. Quý khách sẽ được thực hiện các dịch vụ theo đúng những danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế cho phép. Những danh mục khác sẽ được thực hiện tại bệnh viện.