Thở bằng miệng có sao không? Tác hại và cách khắc phục

Nhiều người nghĩ rằng ai cũng thở bằng mũi, nhưng trên thực tế, không ít người lại có thói quen thở bằng miệng. Vậy việc thở bằng miệng có sao không? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và cách khắc phục ra sao? Hãy cùng Nha Khoa Kim tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

Tác hại của thở bằng miệng

Hoạt động hít thở có vai trò cung cấp oxy cho cơ thể và loại bỏ khí CO2 dư thừa, nhờ vậy chúng ta mới duy trì sự sống. Mũi và miệng là hai con đường chính dẫn không khí vào phổi. Ở người khỏe mạnh, quá trình hô hấp thường diễn ra thông qua cả hai đường dẫn khí này.

Thở bằng miệng là phản xạ cần thiết trong trường hợp mũi bị tắc nghẽn do cảm lạnh hoặc dị ứng. Bên cạnh đó, khi bạn vận động cường độ cao hay làm việc nặng nhọc, việc hít thở qua miệng giúp cung cấp oxy nhanh hơn cho cơ bắp. Tuy nhiên, thở bằng miệng khi ngủ có thể gây ra nhiều tác động không tốt cho sức khỏe.

Trẻ nhỏ nếu duy trì thói quen ngủ há miệng trong thời gian dài sẽ gặp các vấn đề:

  • Miệng trở nên hẹp, khuôn mặt phát triển dài hơn bình thường.
  • Răng mọc lệch, dễ bị cười hở lợi.
  • Sai khớp cắn.
  • Dáng lưng cong, gù.
  • Khó khăn trong việc nhai nuốt và phát âm.
  • Giấc ngủ bị gián đoạn, trẻ ngủ không sâu. Dẫn đến chậm phát triển, kém tập trung và rối loạn giấc ngủ.

Ở người trưởng thành, ngủ thở bằng miệng dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe như:

  • Viêm nướu, khô môi, hôi miệng và sâu răng.
  • Những bệnh liên quan đến tai – mũi – họng, chẳng hạn viêm họng cấp, viêm tai giữa,…
  • Giảm lượng oxy trong máu, có nguy cơ gây tăng huyết áp hoặc suy tim.
  • Chức năng phổi suy yếu khiến bệnh lý hô hấp trở nên nặng hơn, đặc biệt ở người mắc hen suyễn.

tác hại của thở bằng miệng

Há miệng khi ngủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xương hàm và răng

Vì sao bạn nên thở bằng mũi?

Mũi đóng vai trò sản sinh oxit nitric, một chất giúp phổi hấp thụ oxy hiệu quả hơn và hỗ trợ quá trình vận chuyển oxy đến từng tế bào trong cơ thể. Bên cạnh đó, oxit nitric còn có tác dụng giãn mạch và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng. Vì vậy, mũi được xem là lá chắn quan trọng của hệ miễn dịch.

Ngoài ra, khi thở bằng miệng lượng oxy nhận vào phổi ít hơn nhiều so với việc hít thở bằng mũi. Điều này tác động tiêu cực đến chức năng hoạt động của cơ thể.

Hít thở qua mũi mang đến nhiều lợi ích thiết thực, cụ thể:

  • Mũi hoạt động như một bộ lọc tự nhiên, giữ lại và loại bỏ các hạt bụi li ti trong không khí trước khi vào cơ thể.
  • Không khí đi qua mũi sẽ được làm ấm giúp điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với cơ thể trước khi oxy được đưa xuống phổi.
  • Trong quá trình hít vào, mũi bổ sung độ ẩm cho không khí, tránh tình trạng khô phổi và đường dẫn khí.
  • Thở bằng mũi giúp điều tiết lưu lượng không khí, nhờ đó khả năng hấp thụ oxy tăng lên đáng kể.

tại sao chúng ta không nên thở bằng miệng

khi thở qua miệng, lượng oxy được hấp thu vào phổi kém hơn nhiều so với thở qua mũi

Dấu hiệu nhận biết bạn đang thở bằng miệng

Nhiều người có thói quen thở bằng miệng khi ngủ mà không hề nhận biết được. Những ai thường xuyên thở bằng miệng vào ban đêm có thể gặp các dấu hiệu sau:

  • Ngáy to khi ngủ.
  • Miệng khô và hơi thở có mùi khó chịu.
  • Dễ mệt mỏi, hay bực bội, cáu gắt.
  • Giọng nói bị khàn.
  • Quầng thâm xuất hiện dưới mắt.
  • Tình trạng “sương mù não”, biểu hiện qua việc hay quên, giảm tập trung, lẫn lộn hoặc trí nhớ kém.

Ở trẻ nhỏ, tình trạng này có thể xuất hiện với các biểu hiện như:

  • Chậm phát triển thể chất.
  • Môi khô, amidan phì đại.
  • Ngủ nhiều vào ban ngày.
  • Khó tập trung khi học, dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tăng động giảm chú ý (ADD).
  • Phát âm chưa rõ ràng, không chuẩn.

▷ Đọc thêm: Tại sao bị khô miệng khi ngủ dậy và cách điều trị

dấu hiệu nhận biết khi ngủ há miệng

Ngủ há miệng sẽ có các biểu hiện như khô miệng, giọng khàn, hôi miệng

Nguyên nhân thở bằng miệng

Hầu hết những trường hợp thở bằng miệng xuất phát từ nguyên nhân tắc nghẽn đường thở qua mũi, buộc cơ thể phải sử dụng miệng để hít thở. Các yếu tố có thể dẫn đến tình trạng nghẹt mũi bao gồm:

  • Amidan phì đại
  • Cảm lạnh, viêm xoang hoặc dị ứng
  • Bất thường về cấu trúc hay hình dạng mũi
  • Xuất hiện khối u trong khoang mũi (hiếm gặp)
  • Biến đổi kích thước hoặc hình dáng của hàm
  • Ngách mũi bị giãn rộng
  • Polyp phát triển trong mũi
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Thậm chí, có không ít người duy trì thói quen thở bằng miệng ngay cả khi tình trạng nghẹt mũi đã chấm dứt. Ngoài ra, những người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thường phải mở miệng để hít thở nhằm đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ oxy kịp thời.

Bất cứ ai cũng có thể hình thành thói quen thở bằng miệng nhưng nguy cơ sẽ tăng lên ở những người có các yếu tố sau:

  • Đang sốt.
  • Căng thẳng, lo âu kéo dài.
  • Mắc bệnh hen suyễn.
  • Viêm xoang mạn tính hoặc tái phát nhiều lần.

nguyên nhân thở bằng miệng khi ngủ

Do cảm lạnh, viêm mũi dị ứng, viêm xoang khiến người bệnh phải thở bằng miệng để bù đắp lượng oxy

Cách khắc phục thở bằng miệng

Việc khắc phục thói quen thở bằng miệng cần dựa vào nguyên nhân gốc rễ gây ra tình trạng này. Một số biện pháp thường được áp dụng trong điều trị bao gồm:

Điều chỉnh tư thế khi ngủ

Với người có thói quen thở bằng miệng, nằm nghiêng có thể giúp đường thở được mở rộng, hỗ trợ hô hấp dễ dàng hơn. Ngoài ra, kê gối cao để nâng đầu lên khoảng 30 – 60 độ cũng góp phần giảm nghẹt mũi và giữ cho đường thở thông thoáng.

Dùng thuốc hỗ trợ

Khi bị nghẹt mũi do cảm lạnh, ho hoặc dị ứng, bạn có thể sử dụng các loại thuốc như kháng histamine, thuốc thông mũi hoặc thuốc xịt chứa steroid nhằm giúp đường thở qua mũi được lưu thông dễ dàng hơn.

Niềng răng chỉnh nha

Niềng răng thường được chỉ định cho những trường hợp răng mọc lệch lạc, không thẳng hàng. Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH) trong một số trường hợp, việc sử dụng niềng răng trong suốt cũng có thể là giải pháp phù hợp để cải thiện thói quen thở bằng miệng.

▷ Tìm hiểu thêm: Tổng Chi Phí Niềng Răng Bao Nhiêu Tiền? Giá Niềng 2025

Xử lý các vấn đề răng miệng

Đối với các vấn đề răng miệng phát sinh do thở bằng miệng, chẳng hạn như chứng khô miệng, nha sĩ có thể đề xuất dùng kẹo cao su không đường, nước súc miệng chuyên dụng hoặc sản phẩm thay thế nước bọt.

Phẫu thuật loại bỏ amidan

Đây là giải pháp hiệu quả cho những người bị amidan phì đại làm cản trở việc thở qua mũi. Bên cạnh phẫu thuật, bác sĩ có thể khuyến nghị trẻ sử dụng thêm thiết bị hỗ trợ mở rộng khoang miệng và đường thở mũi, giúp cải thiện luồng không khí qua xoang và tăng cường hô hấp.

Liệu pháp CPAP

CPAP là phương pháp sử dụng áp suất không khí dương liên tục, thường được áp dụng cho người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Người bệnh sẽ đeo mặt nạ khi ngủ vào ban đêm, thiết bị sẽ bơm không khí vào đường thở qua mũi và miệng. Áp suất ổn định từ máy giúp duy trì sự thông thoáng, giảm nguy cơ tắc nghẽn. 

khắc phục thở bằng miệng

Việc xác định đúng nguyên nhân thở bằng miệng sẽ giúp lựa chọn được phương pháp khắc phục hiệu quả

Qua những thông tin ở bài viết trên của Nha Khoa Kim, chắc hẳn bạn đã phần nào giải đáp được thắc mắc thở bằng miệng có sao không? Trong một số trường hợp, việc thở bằng miệng là cần thiết, nhưng nếu trở thành thói quen kéo dài, nó có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì vậy, nếu bạn đang gặp các vấn đề sức khỏe như cảm lạnh, viêm xoang, ngưng thở khi ngủ hay các bệnh lý nha chu, hãy chủ động thăm khám và điều trị để sớm khắc phục thói quen thở bằng miệng.

Mỗi phòng khám thuộc hệ thống Nha Khoa Kim được Sở Y tế các tỉnh thành thẩm định các danh mục kỹ thuật khác nhau. Quý khách sẽ được thực hiện các dịch vụ theo đúng những danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế cho phép. Những danh mục khác sẽ được thực hiện tại bệnh viện.

ĐẶT HẸN THĂM KHÁM

Quý khách vui lòng để lại thông tin, Nha Khoa Kim sẽ liên hệ trong vòng 3 phút. (Thời gian làm việc của tổng đài từ 7h30 đến 23h30)