Phụ nữ mang thai có nguy cơ chảy máu chân răng rất cao. Nguyên nhân là do những thay đổi sinh lý trong cơ thể mẹ để thích nghi với quá trình mang thai và nuôi dưỡng thai. Vậy bầu bị chảy máu chân răng có sao không và cách chữa như thế nào? Bài viết sau đây của Nha Khoa Kim sẽ có câu trả lời cho bạn.
Nội Dung Chính
Tại sao bà bầu bị chảy máu chân răng?
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều sự thay đổi, đây là một trong những nguyên nhân khiến họ dễ bị chảy máu chân răng hơn.
Thay đổi lượng canxi
Phụ nữ mang thai cần một lượng canxi lớn để nuôi dưỡng thai nhi trong giai đoạn phát triển. Dù đã tăng cường bổ sung nhưng do ưu tiên cung cấp cho em bé nên cơ thể mẹ dễ rơi vào tình trạng thiếu hụt canxi. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hệ xương mà còn làm răng trở nên yếu hơn, dễ bị sâu và chảy máu chân răng.
Thay đổi hormone
Trong thai kỳ, hormone estrogen và progesterone có sự thay đổi đáng kể. Điều này, làm tăng lưu lượng máu đến nướu khiến nướu dễ bị viêm và chảy máu nhiều hơn. Đặc biệt, phụ nữ đã có vấn đề về nha chu hoặc chảy máu chân răng trước đó có thể bị nặng hơn vào tháng thứ 7 – 8 của thai kỳ.
Thay đổi dinh dưỡng
Giai đoạn đầu thai kỳ, phụ nữ thường gặp phải tình trạng ốm nghén, buồn nôn, chán ăn hoặc thèm các món chua ngọt hơn bình thường. Những thay đổi này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề răng miệng, đặc biệt là sâu răng và viêm nướu do ảnh hưởng của axit từ dạ dày và chế độ ăn uống mất cân bằng.
Thiếu hụt canxi và dưỡng chất cùng với sự thay đổi hormone trong giai đoạn đầu thai kỳ gây ra tình trạng chảy máu chân răng ở bà bầu
Cùng với những thay đổi trong thai kỳ, chảy máu chân răng ở phụ nữ mang thai có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về răng miệng như:
Viêm nướu
Viêm nướu răng là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu chân răng ở phụ nữ mang thai. Sự thay đổi hormone trong thai kỳ kết hợp giữa việc vệ sinh răng miệng chưa tốt tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm nướu.
Tình trạng này thường xuất hiện từ tháng thứ 2 của thai kỳ và trở nặng vào khoảng tháng thứ 8 với các dấu hiệu như: sưng nướu, đỏ nướu, dễ bị chảy máu khi ăn uống hoặc đánh răng.
Viêm nha chu
Viêm nha chu là giai đoạn viêm nướu đã tiến triển nặng. Lúc này, nướu không chỉ bị viêm mà các mô nâng đỡ răng cũng dần bị tổn thương, khiến răng lung lay và thậm chí là mất răng vĩnh viễn.
Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, viêm nha chu còn có thể sản sinh một số chất tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, nếu mẹ bầu gặp tình trạng chảy máu chân răng, cần điều trị sớm để ngăn ngừa bệnh tiến triển thành viêm nha chu.
U nhú thai nghén
Ở 3 tháng giữa thai kỳ là tình trạng u nhú thai nghén nặng nhất. Với biểu hiện là các khối u nhỏ màu đỏ ở nướu hoặc vị trí bất kỳ trong khoang miệng. Đi kèm là tình trạng chảy máu chân răng, loét nướu,… Mặc dù không phải khối u ác tính và không quá nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho mẹ bầu.
Nếu u phát triển lớn, dễ chảy máu, ảnh hưởng đến việc ăn nhai và vẫn tồn tại sau khi sinh, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật cắt bỏ. Việc can thiệp phẫu thuật không nên thực hiện trong thời gian mang thai để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Sâu răng
Sâu răng xuất phát từ nhiều nguyên nhân: vệ sinh răng miệng kém, chế độ ăn uống không lành mạnh,… Chảy máu chân răng là một trong những triệu chứng của sâu răng, cần điều trị sớm để tránh biến chứng nguy hiểm như áp xe chân răng.
Mòn răng
Giai đoạn đầu thai kỳ, tình trạng ốm nghén khiến mẹ bầu thường xuyên buồn nôn và nôn ói. Axit từ dịch vị dạ dày trào ngược có thể bào mòn chân răng, phá hủy men răng và gây chảy máu. Để tránh tình trạng này xảy ra, mẹ bầu nên súc miệng hoặc đánh răng sạch sau mỗi lần nôn.
Tình trạng chảy máu chân răng thường xuyên ở bà bầu cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh như viêm nướu, sâu răng hoặc mòn răng
Bà bầu bị chảy máu chân răng có sao không?
Mặc dù chảy máu chân răng là tình trạng thường gặp trong thai kỳ nhưng nếu xác định chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ nhanh chóng được khắc phục. Nếu để tình trạng này kéo dài có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng như:
Tác động đến sức khỏe mẹ
Sức khỏe răng miệng và toàn thân sẽ bị ảnh hưởng khi bị chảy máu chân răng:
- Ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai: Chảy máu chân răng đi kèm với sưng viêm nướu và sâu răng có thể gây ra những cơn đau dữ dội. Điều này sẽ làm giảm khả năng ăn nhai của mẹ bầu, khiến việc ăn uống trở nên khó khăn và không ngon miệng.
- Tăng nguy cơ viêm nha chu: Vi khuẩn gây chảy máu chân răng có thể tấn công mạnh mẽ vào nướu và răng. Về lâu dài, chúng có thể dẫn đến viêm tủy, áp xe chân răng, làm răng lung lay và thậm chí mất răng. Viêm nướu kéo dài có thể phát triển thành viêm nha chu, một bệnh lý nghiêm trọng có thể phá hủy toàn bộ hệ thống nướu và xương hàm.
- Mắc các bệnh lý toàn thân: Vi khuẩn gây chảy máu chân răng có thể xâm nhập vào máu và lây lan trong cơ thể, gây ra các bệnh lý nguy hiểm như viêm não, tim mạch, tiểu đường, viêm gan,…
Tác động đến thai nhi
Chảy máu chân răng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi nếu không được điều trị kịp thời. Vi khuẩn gây chảy máu chân răng ở mẹ có thể xâm nhập vào máu, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: sinh non, sinh con nhẹ cân, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật,… Tất cả đều gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Hiện tượng chảy máu chân răng thường xuyên ở bà bầu có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, nguy hiểm hơn là sinh non
Cách chữa chảy máu chân răng ở bà bầu
Nếu tình trạng chảy máu chân răng trở nên nghiêm trọng và kèm theo các vấn đề sức khỏe răng miệng khác, mẹ bầu nên đến phòng khám nha khoa để được bác sĩ thăm khám và điều trị. Sau đây là một số biện pháp được áp dụng để để giảm bớt tình trạng chảy máu chân răng:
Dùng nước súc miệng
Ngoài việc đánh răng 2 lần/ngày, mẹ bầu nên súc miệng sau bữa ăn để giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giảm thiểu các vấn đề răng miệng và chảy máu chân răng. Lưu ý chọn nước súc miệng không chứa cồn để tránh tình trạng khô miệng.
Cạo vôi răng
Mặc dù việc chải răng hàng ngày giúp làm sạch nhưng vẫn không thể loại bỏ hết mảng bám thức ăn ở các kẽ răng. Vì vậy, mẹ bầu nên sử dụng chỉ nha khoa và lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần để giúp loại bỏ hoàn toàn mảng bám và giữ cho răng miệng luôn sạch sẽ.
Dùng kháng sinh
Khi chảy máu chân răng kéo dài và đã xác định nguyên nhân do các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu,… bác sĩ sẽ cho mẹ bầu sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, trước khi dùng thuốc, mẹ bầu cần được thăm khám kỹ lưỡng. Để đảm bảo an toàn, bác sĩ có thể cân nhắc việc sử dụng kháng sinh dạng gel bôi hoặc nước súc miệng. Mẹ bầu nên thông báo cho bác sĩ biết về giai đoạn thai kỳ để được kê đơn thuốc phù hợp, tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Trong giai đoạn mang thai cần vệ sinh răng miệng đúng cách, lấy cao răng và tham khám nha khoa định kỳ để đảm bảo sức khỏe
Cách ngăn ngừa chảy máu chân răng khi mang thai
Chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng chảy máu chân răng. Mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:
- Đánh răng 2 lần/ngày bằng kem đánh răng có thành phần fluoride và bàn chải lông mềm. Lưu ý đánh răng theo chiều dọc lên xuống hoặc xoắn ốc, tránh đánh quá mạnh hay theo chiều ngang vì có thể làm mòn men răng và gây đau nướu.
- Ngoài việc chăm sóc răng, thì lưỡi, nướu và các mô miệng khác cũng cần được vệ sinh nhẹ nhàng mỗi ngày. Việc chải lưỡi giúp giảm mảng bám và hạn chế vi khuẩn trong miệng.
- Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám ở giữa các kẽ răng thay vì dùng tăm tre để tránh làm tổn thương nướu.
- Súc miệng bằng nước muối 2 lần/ngày để giảm tình trạng viêm nhiễm và giữ vệ sinh răng miệng.
- Ăn nhiều rau củ, trái cây. Hạn chế thức ăn nhiều đường, dầu mỡ và các thức uống có ga.
- Nếu mẹ bầu mắc đái tháo đường, tuân thủ điều trị và duy trì chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp để kiểm soát mức đường huyết.
- Khi ốm nghén gây nôn nhiều, mẹ bầu nên súc miệng thật sạch để tránh mảng bám thức ăn dính vào răng.
- Khám răng miệng định kỳ 3 tháng/lần để lấy cao răng cũng như phát hiện và điều trị các vấn đề răng miệng kịp thời.
▷ Có thể bạn sẽ quan tâm: Chăm sóc và điều trị nha khoa cho phụ nữ mang thai
Để ngăn ngừa tình trạng chảy máu chân răng thì mẹ bầu cần đảm bảo vệ sinh răng miệng sạch, xây dựng chế độ ăn uống khoa học hơn
Sự thay đổi trong hormone và thiếu hụt canxi cũng như dưỡng chất trong giai đoạn đầu mang thai là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng chảy máu chân răng ở bà bầu. Ngoài ra, tình trạng chảy máu chân răng cũng có thể xuất hiện do các bệnh lý khác như: nha chu, viêm nướu, sâu răng,… gây ra. Do đó trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu cần thường xuyên thăm khám nha khoa định kỳ để được chăm sóc và điều trị đúng cách nhất. Điều quan trọng là cần phải chăm sóc sức khỏe răng miệng thật tốt trong giai đoạn thai kỳ.
Mỗi phòng khám thuộc hệ thống Nha Khoa Kim được Sở Y tế các tỉnh thành thẩm định các danh mục kỹ thuật khác nhau. Quý khách sẽ được thực hiện các dịch vụ theo đúng những danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế cho phép. Những danh mục khác sẽ được thực hiện tại bệnh viện.