Viêm xương hàm là tình trạng rối loạn các khớp xương. Nếu không tìm cách điều trị kịp thời bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm và thậm chí là giãn khớp. Vậy viêm xương hàm là gì? Nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của Nha Khoa Kim.
Nội Dung Chính
Viêm xương hàm là gì?
Viêm xương hàm là tình trạng khớp hàm cũng như các khớp cơ ở khu vực xung quanh bị rối loạn. Tình trạng này không chỉ gây đau nhức kéo dài mà còn khiến cho các cơ bị co thắt, làm mất đi sự cân bằng giữa xương sọ và xương hàm.
Viêm khớp hàm là tình trạng các cơ xung quanh hàm bị rối loạn
Dấu hiệu viêm xương hàm
Nhiều người thường nhầm lẫn viêm xương hàm với các bệnh lý răng miệng khác do các triệu chứng tương đối giống nhau. Do đó, để sớm phát hiện và điều trị kịp thời, bạn cần nắm rõ các dấu hiệu của bệnh lý này.
- Đau hàm: Đau nhức hàm là tình trạng không thể tránh khỏi khi bị viêm khớp hàm. Cơn đau có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mặt và có thể tiến triển từ nhẹ đến nặng. Thông thường, cơn đau sẽ lan rộng đến trong hàm và xung quanh tai. Người bệnh sẽ cảm thấy đau liên tục, kéo dài và tăng nhiều hơn khi ăn nhai.
- Sưng tấy: Vùng xương hàm bị viêm sẽ bị sưng và tấy đỏ. Tình trạng này có thể xảy ra ở khu vực nhỏ hoặc lan rộng trên toàn bộ vùng hàm.
- Khó khăn trong việc mở hàm: Bệnh có thể gây cứng hàm khiến hoạt động đóng và mở hàm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi ăn nhai, nói chuyện.
- Mỏi cổ, đau tai: Tình trạng viêm khớp hàm có thể lây lan sang các mô và cơ xung quanh, gây mỏi cổ, đau nhức tai.
- Chóng mặt: Do viêm khớp hàm ảnh hưởng đến hệ thống cân bằng nên người bệnh có thể trải qua cảm giác chóng mặt.
- Nổi hạch: Một số trường hợp viêm có thể làm xuất hiện các khối u nhỏ trong vùng hàm hay còn gọi là nổi hạch.
- Phì đại cơ nhai: Bệnh còn gây phì đại cơ nhai, khiến các cơ trong khu vực hàm bị phình to và đau nhức dữ dội.
▷ Tham khảo thêm: Đau quai hàm: Nguyên nhân và cách điều trị
Hàm đau, khó cử động kèm theo sưng tấy kéo dài là dấu hiệu phổ biến của viêm khớp hàm
Nguyên nhân gây viêm xương hàm
Tình trạng viêm xương hàm có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:
- Biến chứng của quá trình mọc răng: Khi răng bắt đầu mọc lên, xương hàm sẽ có sự di chuyển và tạo lỗ trống, từ đó vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và gây viêm. Đặc biệt là trong trường hợp răng khôn mọc lệch gây ra tình trạng lợi trùm, kết hợp với việc vệ sinh răng miệng khó khăn tại vị trí răng khôn sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây viêm nhiễm.
- Sâu răng: Sâu răng nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng viêm tủy, viêm quanh cuống, viêm mô mềm và viêm xương. Lỗ sâu răng là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và lan truyền, dẫn đến viêm khớp hàm.
- Chấn thương ở vùng hàm: Xương hàm có thể bị viêm khi xuất hiện các vết thương ở phần mềm, gãy hở có mảnh vụn, gãy qua chân răng,…
- Khối u: Nhiễm khuẩn từ các khối u có liên quan đến xương hàm, dù là u lành tính hay u ác tính đều có nguy cơ khiến xương hàm bị viêm.
- Lão hóa: Tuổi càng cao thì quá trình lão hóa diễn ra càng nhanh, từ đó xương khớp cũng bị mài mòn và dễ gây viêm.
- Bệnh lý: Một số bệnh lý có khả năng gây viêm khớp hàm như sởi, cúm, lao, giang mai,…
Chấn thương, sâu răng, răng khôn và vấn đề bệnh lý là những nguyên nhân phổ biến gây viêm khớp hàm
Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, còn có một số thói quen tưởng chừng như bình thường nhưng lại có khả năng gây viêm xương hàm dưới và cả hàm trên, điển hình như:
- Nghiến răng: Thói quen nghiến răng khi ngủ vô tình khiến khớp thái dương hàm chịu áp lực và sức ép lớn. Tình trạng này kéo dài dễ khiến xương hàm bị viêm.
- Ăn nhai một bên: Việc nhai thức ăn ở một bên hàm hoặc thường xuyên tiêu thụ thực phẩm dai, cứng có thể tạo ra một tải lực không đều lên khớp hàm, gây căng thẳng và viêm khớp hàm.
- Căng thẳng kéo dài: Áp lực tâm lý có thể gây ra phản xạ co cơ hàm không tự chủ, từ đó dẫn đến thói quen nghiến răng khi ngủ hoặc trong trạng thái căng thẳng. Đây là nguyên nhân gây ra các vấn đề liên quan đến khớp hàm, trong đó có viêm khớp hàm.
Nhóm đối tượng có nguy cơ viêm xương hàm
Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị viêm xương hàm, từ người lớn đến trẻ em. Tuy nhiên, có một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:
- Người có các vấn đề về răng như mất răng, răng nứt, răng khôn nằm ngang,… hoặc có sự mất cân bằng trong cấu trúc răng miệng.
- Người ở độ tuổi trưởng thành sớm hoặc trung niên.
- Nữ giới ở giai đoạn dậy thì và tiền mãn kinh, hormone thay đổi ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của xương hàm, làm tăng nguy cơ viêm xương hàm.
Người lớn tuổi và người có vấn đề về răng miệng thường có nguy cơ mắc viêm khớp hàm cao hơn bình thường
Viêm xương hàm có nguy hiểm không?
Viêm xương hàm không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không sớm phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến một số biến chứng như:
- Giãn khớp: Khi bị viêm xương hàm, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ giãn khớp, trật khớp hoặc dính khớp.
- Lan rộng ra vùng sàn miệng: Ban đầu, bệnh gây sưng tấy ở vùng dưới hàm miệng nhưng sẽ nhanh chóng lây lan sang các vùng khác như cổ, ngực. Khi đó, miệng sẽ luôn trong tư thế mở to, lưỡi bị đẩy lên cao, khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc ăn nhai và hít thở.
- Xương hàm biến dạng: Vùng xương bị viêm có thể làm phá vỡ cấu trúc xương và gây biến dạng nghiêm trọng.
Viêm khớp hàm tuy không quá nguy hiểm nhưng để lâu sẽ làm tăng nguy cơ trật khớp, biến dạng xương hàm
Chẩn đoán viêm xương hàm
Viêm xương hàm được chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng:
Chẩn đoán lâm sàng
Dưới đây là một số biểu hiện lâm sàng của bệnh mà bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường:
- Má sưng và tấy đỏ.
- Sâu răng, hoại tử tủy gây đau nhức.
- Vùng da xung quanh xương hàm bị thâm đỏ, thậm chí có mủ rỉ ra từ khu vực sưng.
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Bên cạnh chẩn đoán lâm sàng, để kiểm tra tình trạng xương hàm kỹ hơn, bác sĩ có thể thực hiện thêm các biện pháp khác như:
- Chụp X-quang: Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh chụp X-quang để dễ dàng xác định nguyên nhân gây bệnh.
- Chụp MRI và CT-scan: Xem xét, đánh giá mô mềm và cấu trúc xương hàm chi tiết hơn, giúp bác sĩ xác định mức độ tổn thương và viêm nhiễm, cũng như biến chứng lan rộng của bệnh.
- Xét nghiệm máu: Thực hiện trước khi phẫu thuật để kiểm tra độ tăng bạch cầu trong máu.
Chụp X-quang, MRI và CT-scan là phương pháp chuẩn đoán viêm khớp hàm phổ biến hiện nay
Điều trị viêm xương hàm
Tùy vào tình trạng bệnh mà có phương pháp điều trị khác nhau:
Thuốc điều trị viêm xương hàm
Thuốc điều trị viêm xương hàm có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh. Thông thường, người bệnh sẽ được bác sĩ kê một số loại thuốc sau đây:
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, Diclofenac, Mobic,…có thể được sử dụng để giảm đau nhức.
- Thuốc kháng viêm Corticosteroid: Được dùng ở dạng tiêm, giúp hạn chế tình trạng đau cơ, viêm khớp.
- Thuốc giãn cơ: Được dùng trong vài ngày hoặc vài tuần để giảm đau và căng thẳng cơ hàm.
- Thuốc chống trầm cảm: Nortriptyline, Amitriptyline,…có thể được sử dụng trước khi ngủ để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
- Thuốc an thần: Benzodiazepines có thể được bác sĩ kê đơn trong một số trường hợp để giảm nhanh các cơ đau cấp tính.
- Botulinum: Được dùng ở dạng tiêm nhằm giảm đau do rối loạn khớp thái dương hàm.
*Lưu ý: Các loại thuốc trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất bạn nên thăm khám bác sĩ để được kê đơn thuốc chính xác và phù hợp nhất.
Phương pháp điều trị viêm xương hàm
Trường hợp viêm xương hàm tiến triển nặng, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện một số phương pháp để khắc phục tình trạng này.
- Phẫu thuật: Phương pháp này sẽ giúp sửa chữa hoặc thay thế phần khớp hàm bị tổn thương. Thường được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả như mong đợi.
- Điều trị nha khoa: Bác sĩ sẽ điều chỉnh khớp cắn, nhổ răng, trồng răng hoặc trám răng nếu cần thiết. Điều trị nha khoa sẽ giúp cải thiện tình trạng và chức năng của xương hàm, tuy nhiên người bệnh sẽ phải chịu một số đau đớn.
- Chọc rửa khớp: Bác sĩ sẽ loại bỏ các mảnh vụn khiến khớp hàm bị viêm nhiễm từ đó giúp giảm bớt tổn thương.
Tùy vào tình trạng viêm và sức khỏe xương hàm mà bác sĩ sẽ có các phác đồ điều trị phù hợp
Biện pháp phòng ngừa viêm xương hàm
Tình trạng viêm xương hàm có thể phòng tránh và cải thiện nếu bạn duy trì thực hiện những thói quen lành mạnh sau:
- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng 2 lần/ngày, kết hợp với dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng để tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm.
- Ưu tiên ăn thức ăn mềm, dễ nhai, dễ nuốt. Xây dựng chế độ ăn giàu Canxi, Vitamin D, Vitamin K,… để tăng cường sức khỏe xương và hệ miệng dịch.
- Hạn chế ăn nhai một bên để tránh làm lệch xương hàm.
- Từ bỏ những thói quen như nghiến răng, nghiến lợi,… vì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến xương hàm.
- Mỗi ngày nên dành 10 – 15 phút massage và xoa bóp vùng hàm để giúp các cơ thư giãn và cải thiện quá trình tuần hoàn máu.
- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, giữ tâm trạng luôn thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu và áp lực.
- Tuyệt đối không thực hiện các biện pháp dân gian, không tự kê đơn mua thuốc hay sử dụng thuốc theo đơn của người khác vì có thể làm tình trạng bệnh trở nặng.
- Thăm khám nha khoa định kỳ để kiểm soát tốt sức khỏe răng miệng, tránh xảy ra tình trạng viêm nhiễm.
Vệ sinh răng miệng sạch, hạn chế nhai một bên và thăm khám nha khoa định kỳ để sớm phát hiện viêm khớp hàm
Viêm xương hàm là căn bệnh có biến chứng nguy hiểm khó lường nên bạn cần phải đề phòng. Khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, Nha Khoa Kim khuyên bạn nên thăm khám bác sĩ ngay để tìm cách xử lý kịp thời, hạn chế tối đa những rủi ro không mong muốn cho sức khỏe.
Mỗi phòng khám thuộc hệ thống Nha Khoa Kim được Sở Y tế các tỉnh thành thẩm định các danh mục kỹ thuật khác nhau. Quý khách sẽ được thực hiện các dịch vụ theo đúng những danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế cho phép. Những danh mục khác sẽ được thực hiện tại bệnh viện.