Răng là một trong những bộ phận rất quan trọng đối với cơ thể người. Ngoài chức năng cắn, xé thức ăn và phát âm thì hàm răng còn ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ. Vậy bạn có từng thắc mắc sơ đồ răng người sẽ như thế nào chưa? Cùng Nha Khoa Kim tìm hiểu về sơ đồ răng vĩnh viễn và răng sữa cũng như cách đọc tên răng nhé.
Nội Dung Chính
Cách đọc tên và số thứ tự sơ đồ răng vĩnh viễn
Sơ đồ răng được thiết lập theo một tiêu chuẩn nhất định với mục đích dễ dàng hơn cho việc đọc, viết và nhận biết chính xác số thứ tự cũng như tên gọi của chúng.
Số thứ tự các răng
Răng của người trưởng thành sẽ có khoảng 32 chiếc và được phân thành 4 loại đó là răng cửa, răng nanh, răng hàm bé và răng hàm lớn. Tuy nhiên trên thực tế, số răng này có thể ít hơn vì sẽ tuỳ vào răng hàm lớn thứ ba, hay còn gọi là răng khôn. Nhóm răng này sẽ phát triển ở độ tuổi từ 17 đến 25 tuổi.
32 chiếc răng vĩnh viễn sẽ chia đều cho cả 2 hàm trên và dưới, trong đó sẽ có tổng cộng: 8 răng cửa, 8 răng hàm nhỏ, 4 răng nanh và 12 răng hàm lớn. Đối với răng trên thì cung hàm sẽ được chia đều thành 4 phần từ 1 đến 4 theo chiều kim đồng hồ và được ghi theo số thứ tự tính từ vị trí răng cửa lần lượt từ 1 đến 8.
Một người trưởng thành sẽ có 32 răng vĩnh viễn được chia đều thành 2 hàm với 4 loại răng khác nhau
Cách gọi tên răng
Khi đã hiểu và phân biệt được vị trí của răng vĩnh viễn thì việc đọc tên răng sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Bạn có thể áp dụng theo công thức sau đây để có thể gọi tên chính xác cho từng chiếc răng:
R + số cung hàm + số thứ tự răng.
Trong đó:
- R là viết tắt của “Răng”
- Số cung hàm từ 1 – 4 theo thứ tự trên phải, trên trái, dưới trái và dưới phải
- Số thứ tự răng từ 1 – 8
Ví dụ:
- Răng thứ 5 ở phía trên hàm bên phải đọc là R15.
- Răng thứ 5 ở phía trên hàm bên trái đọc là R25.
- Răng thứ 3 ở phía dưới hàm bên trái đọc là R33.
- Răng thứ 8 ở phía dưới hàm bên phải đọc là R48.
▷ Tham khảo: Con Người Có Tổng Cộng Bao Nhiêu Cái Răng?
Tên răng sẽ được đọc theo công thức R + số cung hàm + số thứ tự răng
Cách đọc tên và số thứ tự trên sơ đồ răng sữa
Răng sữa là những chiếc răng được mọc đầu tiên trên cung hàm của trẻ và thường mọc vào khoảng từ 6 tháng tuổi đến hơn 2 tuổi. Răng sữa có tổng cộng khoảng 20 chiếc và sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn sau khi các răng sữa rụng đi.
Số thứ tự các răng sữa
Về cơ bản, sơ đồ răng sữa tương đối đơn giản với 20 chiếc răng chia đều trên 2 cung hàm. Trong đó, mỗi hàm sẽ gồm có: 4 răng cửa, 2 răng nanh (còn được gọi là răng mắt) và 4 răng hàm.
Cách gọi tên răng sữa
Về cơ bản thì cách gọi tên của răng sữa cũng giống với răng vĩnh viễn. Bạn chỉ cần áp dụng công thức: R + cung hàm + thứ tự răng (1 – 8) là có thể đọc thành thạo tên của răng sữa.
Tuy nhiên, đối với răng sữa sẽ có 1 chút khác biệt ở phần cung hàm, thay vì gọi số thứ tự từ 1 – 4 thì ở răng sữa sẽ thay thế bằng 5,6,7,8. Tức là phần cung hàm 5 của răng sữa sẽ tương đương với cung hàm 1 của răng vĩnh viễn và tương tự cho những cung hàm còn lại.
Hướng dẫn cách đọc tên và vị trí thứ tự răng sữa trên sơ đồ răng
Cách phân biệt răng sữa và răng vĩnh viễn
Để phân biệt được răng sữa và răng vĩnh viễn chúng ta có thể dựa trên những yếu tố như:
- Số lượng răng: Như đã thông tin ở trên, răng người lớn (răng vĩnh viễn) có khoảng 32 chiếc còn răng sữa chỉ khoảng 20 chiếc mà thôi. Răng vĩnh viễn sẽ mọc sau khi những chiếc răng sữa mất đi. Nếu răng vĩnh viễn gãy thì chúng thì sẽ không thể mọc lại.
- Kích thước: Răng vĩnh viễn có kích thước to hơn răng sữa.
- Men và ngà răng: Lớp men và ngà của răng người lớn sẽ cứng và dày hơn răng sữa. Theo các chuyên gia, men răng của răng vĩnh viễn thường dày từ 2-3mm trong khi lớp men bên ngoài của răng sữa chỉ có khoảng 1mm. Chính vì thế, đây cũng là nguyên nhân làm cho răng sữa có tỷ lệ sâu răng cao vì khả năng bảo vệ ngà răng kém hơn.
- Màu răng: Răng vĩnh viễn thường có màu vàng và trong còn răng sữa lại có màu trắng đục do chứa ít thành phần vô cơ.
Răng sữa thường có kích thước nhỏ và men răng mỏng hơn so với răng vĩnh viễn
Những vấn đề thường gặp ở răng vĩnh viễn
Theo thống kê từ Bộ Y tế Việt Nam thì tỷ lệ mắc phải các bệnh lý về răng miệng ở răng vĩnh viễn là tương đối cao và ngày càng gia tăng. Trên thực tế, các vấn đề thường gặp nhất đó là:
Răng vĩnh viễn bị sâu
Sâu răng là một bệnh lý răng miệng thường gặp và xuất phát từ việc vệ sinh răng miệng không đúng cách. Những mảng thức ăn còn sót lại bám lên răng hay vi khuẩn xâm nhập làm xói mòn men răng đều có thể gây sâu răng. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị thì sâu răng sẽ phát triển gây nguy hiểm đến nướu, tủy hoặc mất răng…
Viêm nướu
Bệnh viêm nướu có thể đến từ nhiều lý do như là: Vi khuẩn tích tụ trong mảng bám trên răng, nội tiết tố thay đổi, hệ miễn dịch suy yếu, do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm hay thậm chí là nghiện bia, rượu, thuốc lá… Bệnh viêm nướu có thể điều trị nếu can thiệp sớm và có phương pháp điều trị đúng cách.
Viêm tủy răng
Khi mắc những bệnh lý như sâu răng, viêm nướu… mà không điều trị sớm thì sẽ dễ dẫn đến viêm tủy răng. Trên thực tế có 2 loại viêm tủy răng phổ biến đó là viêm tuỷ có thể phục hồi và viêm tuỷ không thể phục hồi (hay còn được gọi là hoại tử).
Răng vĩnh viễn bị mẻ hoặc gãy
Trong quá trình sinh hoạt hằng ngày, răng có thể bị tác động từ nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng mẻ hoặc gãy răng. Chẳng hạn như bị va đập, nhai thức ăn quá cứng, sâu răng… Đối với trường hợp này, bạn cần tham vấn ý kiến của bác sĩ để tiến hành trám (hàn) răng hoặc làm implant để tránh ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và răng số 6 và 7.
Răng sâu, viêm tủy, viêm nướu là những bệnh lý phổ biến thường xuất hiện ở răng vĩnh viễn
Trong nha khoa, sơ đồ răng được sử dụng với nhiều mục đích quan trọng như xác định vị trí răng, theo dõi và lập quá trình điều trị các bệnh lý liên quan. Đồng thời, sơ đồ răng còn giúp bác sĩ thuận tiện hơn trong quá trình tư vấn điều trị với bệnh nhân. Do đó, biết đọc và xác định sơ đồ răng sẽ giúp bạn thuận tiện hơn trong quá trình thăm khám và điều trị. Đừng quên theo dõi Nha Khoa Kim để đọc và biết thêm nhiều kiến thức mới về nha khoa cũng như chăm sóc sức khỏe răng miệng nhé!
Mỗi phòng khám thuộc hệ thống Nha Khoa Kim được Sở Y tế các tỉnh thành thẩm định các danh mục kỹ thuật khác nhau. Quý khách sẽ được thực hiện các dịch vụ theo đúng những danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế cho phép. Những danh mục khác sẽ được thực hiện tại bệnh viện.